Làm sao để giành được quyền nuôi con khi ly hôn?
* Câu hỏi:
Chúng tôi kết hôn đã 10 năm, có hai con chung, 7 tuổi và 3 tuổi. Thời gian gần đây chồng tôi thay đổi tính nết, sa vào rượu bia, nhiều lần xúc phạm tôi. Tôi thấy không thể duy trì quan hệ hôn nhân này được nữa. Ly hôn tôi muốn nuôi hai con vì không yên tâm khi con ở với cha nó. Xin cho biết cần làm gì để giành được quyền nuôi con và trong trường hợp không được trực tiếp nuôi thì việc chăm sóc cho con được thực hiện thế nào?
(Câu hỏi của bạn Mỹ Duyên)
* Ý kiến tư vấn:
Được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của pháp luật.
Vợ, chồng thỏa thuận người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi và có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Trong trường hợp của bạn, nếu vợ chồng không thoả thuận được thì bạn cần trình bày nguyện vọng và khả năng của mình để được Tòa án xem xét, quyết định.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng
- [05/01/2021] Thực trạng về bệnh trầm cảm ở phụ nữ và biện pháp khắc phục
- [20/05/2020] Hội LHPN phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa) với công tác bình đẳng giới
- [03/01/2020] Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025
- [25/12/2019] Ban Điều hành Đề án 938 tỉnh sơ kết 03 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2019” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- [20/12/2019] Câu lạc bộ “Phụ nữ phòng, chống bạo lực gia đình” phát huy hiệu quả hoạt động, chú trọng triển khai Đề án 938 của Chính phủ