Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh phổ thông
1. Sự cần thiết phải rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh phổ thông.
Nền giáo dục XHCN mang tính nhân văn cao cả, mục đích của nhà trường là giáo dục học sinh toàn diện: học để làm người có đạo đức, nhân cách tốt, có văn hóa và kỹ năng để xây dựng đất nước trong tương lai.
Học sinh phổ thông có độ tuổi từ 12 - 17, độ tuổi vị thành niên. Ở lứa tuổi này các em có nhiều thay đổi, khủng hoảng vì sự phát triển rõ rệt về cơ thể, thay đổi tâm sinh lý, tình cảm và các mối quan hệ xã hội. Một mặt, các em vẫn muốn níu kéo những ký ức của tuổi thơ, muốn được nâng niu chiều chuộng cùng với suy nghĩ và cách ứng xử vụng dại của thời thơ bé, mặt khác lại muốn khẳng định mình là người lớn. Vì thế bản thân các em có nhiều mâu thuẫn, nhiều suy nghĩ phức tạp trong nội tâm về các mối quan hệ xung quanh cần giải quyết. Do chưa có kỹ năng sống nên các em gặp nhiều khó khăn, răc rối, đôi khi phải gánh chịu những hậu quả không như mong muốn bởi chưa tìm ra phương hướng giải quyết đúng đắn và thông minh nhất.
Về phương diện xã hội: các em bắt đầu có ý thức, nhận thức về cuộc sống, nhu cầu kết bạn phát triển mạnh, các mối quan hệ mở rộng, thích tham gia các hoạt động xã hội, thích đi đây đi đó để mở rộng tầm nhìn, thích khẳng định mình là người lớn.
Trong lĩnh vực tình cảm: cường độ những rung động tình cảm ngày càng cao nhưng chưa có sự kiểm soát chặt chẽ của lý trí dễ rơi vào tình trạng cảm tính đơn thuần, cảm xúc tùy hứng nhất thời xuất hiện nhiều khó kiềm chế dễ dẫn đến sai lầm.
Đây là độ tuổi muốn khẳng định “Cái tôi cá nhân” nên có nhu cầu tự khẳng định mình rất cao thể hiện ở chỗ: không muốn tham gia vào những sinh hoạt bó buộc của gia đình, muốn có quyền riêng tư, thích tranh luận và hay bình luận nhận xét đánh giá về người khác ... ngại tiếp xúc và chia sẻ với người lớn, người thân hay giấu kín những khó khăn, vấp ngã của bản thân mình.
Chính vì những đặc điểm trên nên trong các mối quan hệ đa chiều với bạn bè, với người yêu, với thầy cô, với người thân và bố mẹ … đặc biệt trong môi trường xã hội phức tạp xuất hiện nhiều tình huống khó xử, nhiều cám dỗ các em dễ rơi vào lúng túng, bế tắc, thất bại, dễ chán nản, mệt mỏi bi quan mất phương hướng … dẫn đến những suy nghĩ và hành động tiêu cực trong cuộc sống bởi tâm hồn các em nhạy cảm dễ tổn thương, dễ đổ vỡ do bất lực trong giải quyết các tình huống xảy ra với mình.
Mặt khác trong nhà trường hiện nay, tình trạng chú trọng nhiều đến việc dạy chữ, nặng về quan niệm học để thi đỗ đạt, chạy theo bằng cấp, chạy theo thành tích nên việc rèn luyện kỹ năng sống chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều bất cập, học sinh thiếu thực tế và trải nghiệm. Chính vì vậy học sinh phổ thông hạn chế rất nhiều trong giao tiếp ứng xử, xử lý các tình huống trong học tập trong cuộc sống. Để giúp các em vượt qua, đứng vững trước những thay đổi phức tạp và nhiều thử thách trong giai đoạn này chúng ta cần trang bị cho các em kỹ năng sống.
2. Một số giải pháp rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh
Trong nhiều nghiên cứu, nhiều cuộc hội thảo, các nhà tâm lý học, xã hội học đã khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết phải trang bị kỹ năng sống cho học sinh, coi đó là một vũ khí lợi hại của cá nhân giúp các em có thể xử lý các tình huống, tự tin, chủ động thông minh và hoàn thiện hành vi của mình trong giao tiếp và giải quyết các vấn đề với mọi người.
2.1 Cần hiểu kỹ năng sống là gì?
Kỹ năng sống là tập hợp các hành vi tích cực và khả năng thích nghi cho phép mỗi cá nhân đối phó hiệu quả với các nhu cầu và thách thức của đời sống hàng ngày; nói cách khác là khả năng tâm lý xã hội. Đó là tập hợp các kỹ năng mà con người tiếp thu qua giáo dục hoặc trải ngiệm trực tiếp được dùng để xử lý các vấn đề và câu hỏi thường gặp trong cuộc sống con người. Các chủ đề rất đa dạng tùy thuộc vào chuẩn mực xã hội và mong đợi của cộng đồng. Kỹ năng sống có chức năng mang lại hạnh phúc và hỗ trợ các cá nhân trở thành người tích cực và có ích trong cộng đồng.
Kỹ năng sống được hiểu là kỹ năng thực hành mà con người cần để có được sự an toàn, cuộc sống khỏe mạnh với chất lượng cao.Theo UNESCO, kỹ năng sống gắn với 4 trụ cột của giáo dục bao gồm các nội dung sau:
+ Học để biết: gồm các kỹ năng tư duy, như tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề, nhận thức được hậu quả.
+ Học để làm: bao gồm các kỹ năng thực hiện công việc và nhiệm vụ như kỹ năng đặt mục tiêu, đảm nhận trách nhiệm ….
+Học để làm người: gồm các kỹ năng như ứng phó với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc, tự nhận thức, tự tin…
+ Học để chung sống: gồm các kỹ năng xã hội như giao tiếp, thương lượng, tự khẳng định, hợp tác, làm việc theo nhóm, thể hiện sự cảm thông…
2.2 Những kỹ năng sống cơ bản cần trang bị cho học sinh
Nội hàm kỹ năng sống của UNESCO nêu ở trên rất rộng, bao hàm nhiều lĩnh vực, nhiều hoạt động của đời sống xã hội. Trong phạm vi vấn đề: Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh phổ thông chúng tôi chỉ trao đổi những kỹ năng sống cơ bản cho học sinh một số nội dung sau:
+ Kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân trong nhà trường: giúp học sinh biết thiết lập tình bạn trong sáng với nhu cầu cần có nhiều bạn bè để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, ước mơ khát vọng… trong thời học sinh. Tình bạn rất cần thiết để giúp mỗi người trở nên tốt hơn, nhưng cũng cần có thái độ dứt khoát khước từ kiểu tình bạn đưa chúng ta sa vào những cám dỗ, cạm bẫy không cần thiết hoặc tiềm ẩn sự nguy hiểm.
Trong tình bạn cần sự thông cảm, biết đoàn kết, yêu thương và luôn biết coi hoàn cảnh của người khác như chính mình để giúp đỡ nhau, hỗ trợ nhau vượt qua những sự cố, hoàn cảnh rắc rối đang diễn ra trong cuộc sống.
Cần phải đứng vững trước những lôi kéo của bạn bè, biết bảo vệ những giá trị và niềm tin của bản thân nếu phải đương đầu với những ý nghĩ hoặc việc làm sai trái của bạn bè. Phải biết dừng lại, dứt khoát không chấp nhận đối với những sai lầm của bạn, biết bảo vệ quyết định của mình, đồng thời phân tích khuyên nhủ bạn bè hành động đúng, tích cực phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội.
+ Trong tình yêu: Đối với học sinh phổ thông đây, thường là tình cảm đầu đời, đó là những rung động mãnh liệt của cảm tính, ít có sự tham gia của lý trí. Vì vậy cần phải giữ gìn tình yêu trong sáng, tình yêu phải trở thành động lực tiếp thêm sức mạnh trong việc học tập rèn luyện tu dưỡng để trở nên tốt hơn. Biết cách ngăn chặn, từ chối tình yêu ích kỷ, những biểu hiện khi yêu thì xa lánh bạn bè, trốn học đi chơi, bỏ bê việc học tập, không tham gia các hoạt động tập thể… đặc biệt kiên quyết chống lại việc đi quá xa, vượt quá giới hạn cho phép, kiểu sống thử… gây hậu quả xấu và những hệ lụy khôn lường trong cuộc sống.
+ Trong học tập: đứng trước những căng thẳng, áp lực của việc học tập các em cần phải có bản lĩnh, có nghị lực, có ý chí vươn lên, tự nhận thức điểm mạnh điểm yếu của mình để khắc phục. Khi gặp các vấn đề khó khăn cần tham khảo sách vở, trao đổi với bạn bè, hỏi thầy cô để giải quyết. Trong quá trình học tập cần chủ động nắm vững 3 cấp độ: tái hiện, thông hiểu và vận dụng. Cần bố trí thời gian hợp lý, có kế hoạch học tập và thời gian vui chơi giải trí, sinh hoạt tập thể.
+ Trong quan hệ ứng xử với thầy cô, bạn bè và những người xung quanh cần thể hiện là người có đạo đức, có văn hóa, có lòng tin và ý thức trách nhiệm với bản thân và tư thế của người học sinh. Khi có mâu thuẫn, va chạm, bất đồng cần phải bình tĩnh, biết kiềm chế hành vi để giải quyết những xung khắc bằng thương lượng, hòa giải tránh việc giải quyết bằng bạo lực.
+ Có kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng ứng phó, ứng biến: khi gặp các tình huống nguy hiểm cần phải biết thoát ra khỏi nơi nguy hiểm một cách an toàn và hiệu quả, những tình huống như: hỏa hoạn, bão lụt, tai nạn xảy ra thương tích, bị xâm hại hay bị bắt cóc … nhiều tình huống chưa phải là nguy hiểm nhưng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cần phải biết cách ứng xử phù hợp để hạn chế thiệt hại cho bản thân.
+ Kỹ năng hoạt động trải nghiệm: trong nhà trường không chỉ tiếp thu những kiến thức khoa học phổ thông nền tảng mà còn phải trang bị kỹ năng sống cơ bản để học sinh có năng lực hòa nhập vào cuộc sống xã hội. Một trong những biện pháp là tận dụng thế mạnh của các hoạt động trải nghiệm do nhà trường tổ chức như: tổ chức mít tinh, tổ chức thi đấu thể thao, văn nghệ, cắm trại, đi du lịch, hội nghị học tốt và các sinh hoạt khác… Quá trình học sinh tham gia vào các hoạt động trải nghiệm là quá trình các em đặt mình vào một hoạt động thực tiễn giúp các em nâng cao nhận thức, hình thành các kỹ năng, hình thành phát triển thái độ, ý thức tập thể một cách vững chắc .
Khi học sinh được trang bị kỹ năng sống đúng đắn, lành mạnh các em sẽ có đời sống tinh thần vui tươi thoải mái sẽ trưởng thành, cảm nhận được mái trường là môi trường thân thiện đáng yêu, nơi gắn bó và lưu giữ những kỷ niệm êm đẹp về tuổi ấu thơ không bao giờ trở lại. Các hình thức giáo dục trên sẽ tạo ra môi trường tốt để các em học tập rèn luyện để trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội, đồng thời đó cũng là cách thực hiện nguyên lý và phương châm giáo dục của Đảng.
Nguyễn Mạnh Thân - TV Góc tư vấn
- [05/01/2023] Chính sách khuyến khích phụ nữ sinh đủ hai con
- [18/11/2022] Hành vi quấy rối tình dục có thể kỷ luật sa thải
- [26/09/2022] Muốn ly hôn nhưng chồng không đồng ý, phải làm thế nào?
- [27/06/2022] Quy định về cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
- [14/06/2022] Phòng chống bạo lực gia đình
- [28/11/2019] Khắc phục bệnh vô cảm trong học sinh
- [20/11/2019] Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em
- [22/07/2019] Phương pháp và nội dung hoạt động của Góc tư vấn hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững