Mô hình trồng rau sạch an toàn và thiết thực vùng nông thôn

|

Thời gian qua, nhiều hội viên, phụ nữ xã đầu tư phát triển mô hình sản xuất rau an toàn. Mô hình này không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm thường xuyên cho chị em.

Điển hình tại thôn Thạch Định có trên 20 hội viên phụ nữ tham gia mô hình sản xuất rau sạch. Tùy vào từng mùa vụ mà các chị trồng các loại rau, củ phù hợp, nhờ trồng rau theo hướng an toàn thực phẩm nên đầu ra nông sản luôn ổn định. Sau khi thu hoạch, các chị đưa sản phẩm đến các chợ đầu mối và các điểm bán lẻ tiêu thụ.

Cụ thể, gia đình chị Đỗ Thị Hoa, thôn Thạch Định, có 2000 m2 đất ở, đất sản xuất. Ngoài phần lớn diện tích chị dành khoảng 2 sào (1 sào = 500 m2) đất màu để trồng rau sạch. Chị Hoa cho biết, lúc đầu chỉ trồng vài luống rau để phục vụ bữa ăn gia đình nhưng thấy nhu cầu người dân trong khu vực sử dụng ngày càng nhiều nên nhân rộng thêm.

Rau sạch Ninh Trung 1.jpg (362 KB)

Chị Hoa tận dụng mọi không gian để trồng rau an toàn.

 Chị Hoa chia sẻ: Diện tích đất gia đình không lớn nhưng trong vườn nhà chị có nhiều loại như: rau muống, rau lang, cải, mồng tơi, cà dĩa… Điều đặc biệt là, vườn rau hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, nước tưới cũng sạch ( có hồ nước mạch tự chảy) nên thực phẩm luôn đảm bảo an toàn. Muốn rau sạch thì trước hết cuốc đất lên phơi ải, sau đó bón lót phân vi sinh, rồi gieo hạt hoặc cấy tùy loại. Đặc biệt, muốn an toàn thì quy trình trồng, chăm sóc tuyệt đối không xịt thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học mà chỉ bón lót phân chuồng, mỗi ngày, gia đình thu hoạch khoảng trên 50kg rau các loại. Sản phẩm sạch cộng với giá bán rẻ hơn thị trường nên cung không đủ cầu, người dân đến tận nơi mua. Mỗi ngày, vườn rau đem lại thu nhập cho gia đình chị khoảng 500-700 nghìn đồng sau khi trừ chi phí.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Cúc, Nguyễn Thị Ngọc, Đặng Thị Kim Ngôn…. dù có khu đất không bằng phẳng, nhưng các chị em vẫn tận dụng tối đa diện tích để trồng các loại rau, nhằm cải thiện bữa ăn hằng ngày và bán cho người dân, nâng cao thu nhập.

Theo kinh nghiệm lâu năm của các chị, để rau không bị sâu bệnh thì không nên trồng đại trà mà trồng thành từng khu vực độc lập, mỗi khu trồng một loại khác nhau. Chính vì thế, vườn rau ngoài bón phân vi sinh thì dù không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào nhưng vẫn không bị sâu bệnh phá hoại nên sản phẩm luôn tươi, sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

 Để hỗ trợ hội viên sản xuất rau an toàn đạt chất lượng, Hội LHPN xã đã phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng ngắn ngày, các chị em chịu khó học hỏi với nhau về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. tìm hướng trồng các loại rau ngắn ngày thích hợp với điều kiện thời tiết, mùa vụ. Nhờ đó mô hình trồng rau an toàn của chị em phụ nữ ngày càng hiệu quả, thu nhập của chị em tăng lên, cuộc sống gia đình ổn định.

Rau sạch Ninh Trung 2.jpg (339 KB)

Có thể thấy rằng, trồng rau sạch không phải mô hình mới nhưng luôn cần thiết để tạo không gian xanh và góp phần nâng cao sức khỏe cho chính gia đình, bà con hàng xóm và người tiêu dùng.

                                                                                             Thu Thủy