Tư tưởng Hồ Chí Minh - Tứ đức của người cách mạng

|

Nghiên cứu sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, có thể thấy Người đã dành nhiều tâm huyết để khẳng định “cần, kiệm, liêm, chính” là yêu cầu nhất thiết phải có, là “tứ đức” cơ bản làm nên cái gốc của người cách mạng. Từ những khái niệm xưa về phẩm chất của đạo đức truyền thống phương Đông, Người đã chọn lọc và tiếp biến với những yêu cầu, nội dung mới vô cùng cụ thể và dễ hiểu.


Nội hàm mới của tứ đức


Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước. Hiển nhiên đạo đức Nho giáo có tác động không nhỏ đến tư tưởng cũng như triết lý nhân sinh của Người. Đặc biệt là triết lý tu thân đề cao tu dưỡng đạo đức cá nhân: Đạo đức với mình thì phải nghiêm khắc; đạo đức với người thì phải khoan dung, độ lượng; đạo đức với công việc thì phải tận tâm, tận lực. Trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước và trong suốt sự nghiệp cách mạng, Người đã hấp thụ tinh hoa của các nền văn hóa khác nhau, để lại cho Đảng ta, dân tộc ta di sản vô giá về đạo đức cách mạng. Một trong những sáng tạo đó chính là khái niệm về Tứ đức của người cách mạng.

images5490513_tr6a.jpg (317 KB)

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu học sinh trường Trưng Vương, Hà Nội (tháng 5-1955). Ảnh Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng rất tài tình các phạm trù đạo đức của Nho giáo để đề ra các chuẩn mực đạo đức con người mới Việt Nam phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Trong Nho giáo, khi nói đến Tứ đức là người ta hiểu ngay khuôn thước đạo đức xưa về phẩm chất của người, ví như “Tứ đức” của người phụ nữ chuẩn mực. Vận dụng ý tưởng này, Người đã xây dựng nên khái niệm Tứ đức của người cách mạng. Sở dĩ Người thường mượn chữ của người xưa để thổi hồn vào những khái niệm mới bởi do điều kiện dân trí của nước ta thời đó, cơ bản là mù chữ, những bài học về đạo đức thường được truyền miệng đời nọ qua đời kia, nên Người đã chọn những gì phổ biến, có sẵn để tạo nên khái niệm mới dễ đi vào lòng người.

 
Ngay từ buổi đầu chuẩn bị thành lập chính đảng vô sản, trong các bài đầu tiên về chủ nghĩa cộng sản cho những hạt giống đỏ cách mạng của nước ta, Người đã trăn trở về vấn đề này. Mở đầu tác phẩm Đường Kách mệnh năm 1927, chương đầu tiên là “Tư cách một người cách mệnh” trong đó phẩm chất Cần, Kiệm được nêu lên đầu tiên: “Tự mình phải cần kiệm, hòa mà không tư…”.


Trong tác phẩm Đời sống mới (3-1947), Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải thực hành “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. Người đã coi “tứ đức” là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc và luận giải “tứ đức” trong tổng thể của trời, đất, con người và mối quan hệ của mùa - trời; của phương - đất; của đức - người. Giản dị mà khúc chiết, Người khẳng định:


“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông


Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc


Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính”.


Cuối tháng 5 đầu tháng 6-1949, Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Cần kiệm liêm chính” gồm 4 bài báo với bút danh Lê Quyết Thắng, đăng trên Báo Cứu Quốc: Thế nào là Cần, ngày 30-5; Thế nào là Kiệm, ngày 31-5; Thế nào là Liêm, ngày 1-6 và Thế nào là Chính, ngày 2-6 năm 1949 thì nội hàm của các khái niệm về Tứ đức của người cách mạng đã được làm sáng tỏ và hoàn chỉnh. Và kể từ đó, trong suốt sự nghiệp cách mạng của Người, tứ đức là phẩm chất bắt buộc, là nền gốc của người cách mạng.


Suốt đời học tập, tu dưỡng


Đến nay, cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Đảng ta đã trải qua 15 năm. Bắt đầu là thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương (Kết luận số 39-KL/TW ngày 30-8-2005): “Triển khai chỉ đạo điểm cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đúc rút kinh nghiệm để Bộ Chính trị ra chỉ thị tiến hành cuộc vận động lớn trong toàn Đảng về chủ đề này ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng”. Ngày 7-11-2006, Trung ương ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về “Tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 06). Thời điểm phát động cuộc vận động vào dịp kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng 3-2-2007. Kể từ đó đến nay, Bộ Chính trị đã thêm hai lần ban hành chỉ thị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Chỉ thị 03 và Chỉ thị 05). Điểm mới sau này là Trung ương đã gắn các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. 


Nhìn lại quá trình hơn 15 năm triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cho dù mỗi năm có chuyên đề riêng nhưng sợi chỉ đỏ xuyên suốt vẫn là làm sao để mỗi cán bộ, đảng viên thực sự thấm nhuần và giữ vững Tứ đức “Cần, kiệm, liêm, chính” theo lời Bác dạy. Trong tứ đức của người cách mạng, rõ ràng chữ Liêm phải được giữ làm đầu, chữ Liêm sẽ chi phối cả 3 đức kia. Nhìn lại các vụ đại án thời gian qua, bao nhiêu cán bộ từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất bị xử lý kỷ luật cho thấy, rõ ràng họ đã để mất chữ Liêm khi thực thi công vụ. Khi cán bộ mất đi đức Liêm thì làm việc không còn giữ được sự Chính nữa, sa vào chủ nghĩa cá nhân, làm lợi cho mình mà gây họa cho đất nước.


Chữ Liêm phải lấy làm đầu


Trong tứ đức của người cách mạng, dù rằng đứng ở vị trí thứ ba nhưng Người đã coi chữ Liêm là nền móng của đạo đức cán bộ. Để cán bộ nói chung, công chức nói riêng thấu hiểu và thực hành đức liêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luận giải sâu sắc về chuẩn mực này. Theo Người, liêm trước hết là liêm khiết, không tham ô, luôn tôn trọng, giữ gìn của công và tài sản của nhân dân. Liêm còn là trong sạch, không tham lam. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn người cách mạng phải “ít lòng ham muốn về vật chất”. Không đơn thuần là của cải, người cán bộ phải chế ngự lòng tham về mọi phương diện, tức “Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình”. Bác Hồ đã căn dặn: “Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ Trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu”. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5).


Vừa giành được chính quyền, Người đã thể hiện tầm nhìn xa khi cảnh giác ngay nguy cơ của người khi nắm trong tay quyền lực. Lúc có chính quyền tức là có quyền lực và quyền lợi, người cán bộ nếu thiếu tu dưỡng sẽ dễ lợi dụng chức quyền để tư lợi từ việc nhỏ đến việc lớn cho mình và cho gia đình mình. Trong thư “Gửi ủy ban nhân dân các cấp” tháng 10-1945, Bác đã vạch ra 6 lầm lỗi chính phải tránh, trong đó lỗi thứ ba là dùng của dân, của công để tiêu xài riêng: “Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, tự hỏi tiền bạc ở đâu mà ra? Thậm chí lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức… Thử hỏi những hao phí đó, ai chịu?”.


Cuộc đời thanh bạch của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương ngời sáng về người công bộc của dân, tiêu biểu cho chữ Liêm, cho tứ đức của người cách mạng. 

* * *


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về làm việc với Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Người đã ghi ở trang đầu quyển sổ vàng của trường: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Cho đến khi trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại Di chúc cho toàn Đảng, toàn dân những dặn dò tâm huyết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi một cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.


Chỉ 4 chữ cô đúc của Người thôi mà suốt một đời phấn đấu, tu dưỡng vẫn không bao giờ dám tự coi là đủ! Như tấm gương sáng mà Người để lại đã được nhà thơ Tố Hữu nói thay cho cả đất nước này: “Bác để tình thương cho chúng con; Một đời thanh bạch, chẳng vàng son; Mong manh áo vải hồn muôn trượng; Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.

Theo https://www.baokhanhhoa.vn/dac-san-xuan/202202/tu-tuong-ho-chi-minh-tu-duc-cua-nguoi-cach-mang-8242413/

Theo https://tinhuykhanhhoa.vn/tin-chi-tiet/id/11401/Tu-tuong-Ho-Chi-Minh---Tu-duc-cua-nguoi-cach-mang