Điều kiện để thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Câu hỏi:
Tôi và chồng đã ly hôn từ tháng 12/2016, khi ly hôn tôi là người trực tiếp nuôi con, từ khi ly hôn tôi một mình nuôi con, chồng không trợ cấp 1 khoản nào. Hiện nay tôi làm việc tại một công ty với thu nhập chính 15tr/tháng; do nơi làm việc cách nhà ông bà 50km nên tôi phải thuê nhà trọ, bé ở trọ với tôi. Hiện nay Chồng tôi đòi giành quyền nuôi con, vậy tôi có bất lợi gì không?
Trả lời
Căn cứ tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
- Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
- Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
- a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
- b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
- Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
- Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
- Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
- a) Người thân thích;
- b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
- c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
- d) Hội liên hiệp phụ nữ”.
Như vậy, theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì chồng bạn chỉ giành lại quyền nuôi con trong trường hợp: Bạn và chồng cũ có thể thỏa thuận được việc để cho anh ấy nuôi con phù hợp với lợi ích của con; hoặc bạn không còn đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Hiện nay, bạn vẫn muốn tiếp tục được trực tiếp nuôi con nên anh ấy chỉ có thể giành quyền nuôi con khi anh ấy chứng minh được bạn không còn đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Vì vậy bạn phải có các cơ sở để chứng minh về mặt tài chính (thu nhập ổn định), chỗ ở hợp pháp để đảm bảo cho con có cuộc sống ổn định; ngoài ra bạn cũng cần phải đảm bảo các yếu tố về điều kiện, thời gian chăm sóc, giáo dục con tốt.
Như vậy, nếu bạn có các điều kiện về mặt vật chất và tinh thần đủ để chứng minh có đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con như nêu trên thì bạn sẽ không gặp phải bất lợi nếu chồng cũ của bạn đề nghị Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Luật gia tư vấn
- [12/11/2024] HƯỞNG ỨNG THAM GIA CÁC CUỘC THI TRỰC TUYẾN TÌM HIỂU PHÁP LUẬT
- [25/10/2024] MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
- [23/10/2024] Doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, sử dụng nhiều lao động nữ được hỗ trợ gì?
- [01/10/2024] Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2024
- [23/09/2024] Một số điểm mới Nghị định 71/2024/NĐ-CP về định giá đất theo Luật Đất đai 2024
- [08/09/2020] Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động?
- [09/01/2020] Từ năm 2020 độ tuổi nghỉ hưu của Người lao động (NLĐ) được tính như thế nào?
- [06/12/2019] Thủ tục cấp lại giấy khai sinh
- [03/12/2019] Việc tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức Việt Nam phải bảo đảm các yêu cầu như thế nào?
- [19/03/2019] Nhầm họ tên trên giấy khai sinh xin sửa có khó không?