Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần dịch còn kéo dài

|

Diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước còn rất phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất lớn, nếu nới lỏng dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và “chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài”.

Ngày 13/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã họp triển khai công tác phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất: Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài. (Ảnh: Đình Nam)

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã phân tích, đánh giá diễn biến hình dịch bệnh và giải pháp ứng phó; thảo luận về việc có tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về cách ly toàn xã hội hay không, hình thức áp dụng như thế nào, công tác bảo đảm hậu cần phục vụ phòng, chống dịch và dự trữ quốc gia; xuất khẩu trang, thiết bị y tế có kiểm soát;…

Nếu nới lỏng dịch có thể bùng phát trở lại

Qua phân tích dữ liệu tình hình dịch bệnh trong nước, đánh giá các nguy cơ rủi ro, các ý kiến khẳng định: Thời gian qua, chúng ta vẫn đang kiểm soát tình hình dịch bệnh, tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước còn rất phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất lớn, nếu nới lỏng dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và “chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài”.

Do đó, cùng với việc kiên trì thực hiện nguyên tắc chống dịch từ ban đầu (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị, dập dịch) thì công tác truy vết ca bệnh kết hợp với các biện pháp cách ly xã hội vẫn là những giải pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống COVID-19.

Thực tế triển khai việc cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, thời gian đầu chúng ta đã thực hiện rất tốt nhưng những ngày gần đây có hiện tượng chủ quan, người dân ra đường đông hơn;… Đương nhiên việc thực hiện cách ly toàn xã hội sẽ ảnh hưởng nhiều tới người dân, doanh nghiệp, nhưng với quan điểm “sức khoẻ là trên hết”, “còn người còn của”, chúng ta cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định này.

Trước hết, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 (đến ngày 15/4) để tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh., tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện nghiêm quy định về cách ly xã hội; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tổ chức các tổ truy vết ở Trung ương và địa phương

Ban Chỉ đạo đã tập trung phân tích và thống nhất sau khi Chỉ thị 16 hết hiệu lực sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị mới trong đó quán triệt tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch từ ban đầu, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, củng cố các quy định về truy vết ca bệnh. Đối với việc cách ly, giãn cách xã hội, các ý kiến cho rằng cần kiến nghị các giải pháp cụ thể, chi tiết hơn, có tính đến yếu tố địa phương, nhóm đối tượng, ngành nghề sản xuất kinh doanh. Đồng thời tăng cường ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin, truyền thông để truy vết, giám sát các ca bệnh; giám sát việc thực hiện cách ly xã hội.

Ban Chỉ đạo yêu cầu tất cả các địa phương có bộ phận cập nhật dữ liệu dịch bệnh thống nhất để hình thành hệ thống dữ liệu trong cả nước, phân nhóm những tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, nguy cơ thấp. Tổ chức các tổ truy vết ở cả Trung ương lẫn địa phương luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có ca nhiễm.

Liên quan đến nội dung này, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT, Viettel cũng đề xuất các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch bệnh như: Triển khai hoạt động giám sát phục vụ yêu cầu giãn cách xã hội theo từng tình huống cụ thể; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh qua việc sử dụng tiền mặt trong mua, bán hàng hoá.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 họp ngày 13/4. (Ảnh: Đình Nam)

Các đại biểu cũng đề xuất tiếp tục thực hiện các giải pháp để “chặn đến cùng” tất cả các ca xâm nhập; chưa nới lỏng chính sách nhập cảnh; giám sát chặt nhóm người mắc các bệnh giống cúm (qua những người mua thuốc); triển khai xét nghiệm điểm một số nhóm đối tượng (lao động phổ thông, cộng đồng người nước ngoài sinh sống tập trung); kiểm soát chặt chẽ các địa điểm tập trung đông người (cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; các di tích, danh thắng; khu du lịch, vui chơi, giải trí; chợ đầu mối, chợ dân sinh; làng nghề, bếp ăn tập thể,…).

Bên cạnh các giải pháp về phòng chống dịch bệnh, cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về xã hội, quan tâm tới nhóm người yếu thế gặp khó khăn vì dịch bệnh; đồng thời xem xét tiến hành nới lỏng trên cơ sở có biện pháp kiểm soát phù hợp đối với một số ngành hàng sản xuất, kinh doanh dịch vụ thiết yếu…

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 sáng ngày 13/4 cho biết, đến nay đã ghi nhận 262 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 10 trường hợp ghi nhận tại ổ dịch thuộc thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội; không ghi nhận trường hợp mắc mới liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Trường Sinh và quán bar Buddha.

Thông tin của Ban Chỉ đạo cũng cho biết, kể từ khi triển khai Chỉ thị 16, số ca mới mắc đang có xu hướng gia tăng nhanh theo ngày đã bị chặn đứng và đi ngang ở mức rất thấp, điển hình có 2 ngày chỉ ghi nhận 1 ca nhiễm mới.

Tỷ lệ mới mắc trong vòng 10 ngày trước khi thực hiện Chỉ thị 16 giảm xuống nhanh và rõ rệt so với 10 ngày sau khi thực hiện: từ 82% xuống còn 25%.

Một số ổ dịch cơ bản đã được kiểm soát như ổ dịch liên quan Công ty Trường Sinh, Bệnh viện Bạch Mai (đã dỡ cách ly kể từ 0 giờ ngày 12/4/2020) và quán bar Buddha.

Tuy nhiên đã ghi nhận 24 trường hợp mắc mới trong cộng đồng, trong đó đáng chú ý có 10 trường hợp tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Trong 03 ngày đầu tháng 4 ghi nhận 13/24 ca tại cộng đồng nhưng sau đó chỉ còn ghi nhân 1 đến 2 ca mỗi ngày cho đến nay.

Đây là khoảng thời gian để giảm tối đa các chỉ số di chuyển của xã hội, cắt đứt chuỗi lây lan của dịch bệnh, đồng thời ngày 8-4 đánh dấu lần đầu tiên đảo chiều tương quan giữa số ca khỏi bệnh (50,2%) so với số ca đang nhiễm bệnh (49,8%). Tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh đến ngày 12/4 đã đạt 55%.

Triển khai các biện pháp giải quyết các ổ dịch

Đối với ổ dịch ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội: Sở Y tế Hà Nội đã điều động 15 đội phản ứng nhanh hỗ trợ khoanh vùng, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm từ ngày 12/4/2020, đã tiến hành lập 9 chốt kiểm soát tại khu vực ổ dịch, tiến hành khoanh vùng cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi với 10.872 người (2.973 hộ dân) từ ngày 08/4/2020 đến hết ngày 05/5/2020 (28 ngày).

Tổng số mẫu F1 liên quan đến các trường hợp dương tính đã lấy: 361 mẫu (04 mẫu dương tính, còn lại đều âm tính).

Lấy 10.013 mẫu xét nghiệm sàng lọc đối với người dân tại khu vực ổ dịch (không tính các trường hợp F1), trong đó đã xét nghiệm 5.204 mẫu, 3.136 mẫu đã có kết quả đều âm tính.

Bộ Y tế đã cử Tổ công tác đặc biệt, Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ thành phố Hà Nội phòng chống dịch Hạ Lôi, bên cạnh đó đã giao 04 bệnh viện là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 cho Hà Nội.

Đối với trường hợp dương tính tại Hà Nam: Đã lấy mẫu xét nghiệm đối với 203 người tiếp xúc gần với ca bệnh 251 (gồm bệnh nhân cùng phòng, cùng phòng đã ra viện, cán bộ y tế...), tất cả đều có kết quả âm tính.

Liên quan đến bệnh nhân số 254 đang điều trị tại Bệnh viện Thận Hà Nội: hiện chưa ghi nhận ca mắc mới; thiết lập cách ly tại Bệnh viện Thận Hà Nội kể từ ngày 11/4/2020; lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho 142 cán bộ y tế (trong đó 27 cán bộ y tế là đối tượng tiếp xúc gần), kết quả xét nghiệm toàn bộ đều âm tính; lấy mẫu 512/527 bệnh nhân ngoại trú chạy thận nhân tạo (trong đó 17 bệnh nhân là đối tượng tiếp xúc gần) và 14/14 bệnh nhân nội trú, hiện đã có kết quả xét nghiệm 17 bệnh nhân là đối tượng tiếp xúc gần đều âm tính.

Đối với chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai và ổ dịch tại quán Bar Buddha: Đến nay không ghi nhận thêm trường hợp dương tính có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai (và Công ty Trường Sinh) và ổ dịch tại quán Bar Buddha.

Đã rà soát các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai với 54 tỉnh/thành phố: Tổng số lượng rà soát là 53.592 người, trong đó 4.352 bệnh nhân nội trú, 1.885 bệnh nhân ngoại trú, 23.598 bệnh nhân khám ngoại trú, 9.468 người nhà/người chăm sóc./.

                                                                                                                            Theo: http://tinhuykhanhhoa.vn (Nguồn:Dangcongsan.vn)