HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT

|

1. Không tổ chức đám cưới mà chỉ đi đăng ký kết hôn có được không?

Hỏi:

Tôi và bạn trai yêu nhau đã 03 năm; Vì gia đình không đồng ý nên 2 đứa không muốn tổ chức đám cưới mà chỉ định đi đăng ký kết hôn thì có được công nhận không?

                                                                    Nguyễn Hồng Việt

Trả lời:

Với những thông tin bạn cung cấp xin có ý kiến tư vấn cho bạn như sau:

 - Điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau: 

“Điều 8. Điều kiện kết hôn

  1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

       a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
       b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
       c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
      d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

       2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.

- Các trường hợp cấm kết hôn quy định tại điểm a, b, c và d khoản 2 “Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, gồm:

       a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

       b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

      c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

       d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;”

Theo quy định trên nếu đủ điều kiện và không vi phạm trường hợp cấm kết hôn thì các bạn có thể thực hiện việc đăng ký kết hôn. 

- Về đăng ký kết hôn thì căn cứ quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“Điều 9. Đăng ký kết hôn

  1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý”.

- Để đăng ký kết hôn thì theo quy định tại Điều 17 Luật Hộ tịch năm 2014:

"Điều 17. Thẩm quyền đăng ký kết hôn và nội dung Giấy chứng nhận kết hôn

  1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
  2. Giấy chứng nhận kết hôn phải có các thông tin sau đây:
      a) Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ;

      b) Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn;

      c) Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch."

Các bạn cần tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn. Khi hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn thì quan hệ hôn nhân được pháp luật thừa nhận và bảo vệ; còn vấn đề có tổ chức tiệc cưới hay không pháp luật không điều chỉnh và không mang tính bắt buộc, nên việc tổ chức đám cưới hay không là phụ thuộc vào quyết định của hai bạn.

2. Phát hiện không phải con đẻ, muốn từ chối làm cha của đứa trẻ thì phải làm thế nào?

Hỏi: 

Vợ chồng tôi lấy nhau được 05 năm vợ tôi mới có thai, tuy nhiên sau khi được sinh ra khoảng 01 tháng tôi phát hiện ra sự thật đau lòng là đứa trẻ không phải là con ruột của tôi. Xin hỏi tôi có quyền từ chối làm cha của đứa trẻ không?

Nguyễn Hải Phong

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 88, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc xác định cha, mẹ:

“Điều 88. Xác định cha, mẹ

  1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

      Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

       Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

  1. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình về xác định con có quy định:

“Điều 89. Xác định con

...

  1. Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.”

Theo các quy định nêu trên, thì dù bạn khẳng định bạn không phải là cha đứa trẻ, nhưng đứa trẻ được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nên về nguyên tắc, đứa trẻ vẫn được xác định là con chung của vợ chồng bạn.

Nếu không muốn nhận đứa trẻ là con, bạn cần có chứng cứ để chứng minh và yêu cầu tòa án xác định không phải là cha đứa trẻ.

3. Con đã thành niên có được chia tài sản khi bố, mẹ ly hôn không?

Hỏi:

Thưa luật sư, con tôi năm nay đã 22 tuổi, nếu vợ chồng tôi ly hôn thì con tôi có được chia tài sản không? Và nếu con sống cùng tôi thì sau này có quyền thừa kế tài sản của chồng tôi không?

Nguyễn Tuyết Như

Trả lời:

Căn cứ quy định tại Điều 59, Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

       1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

  1. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

       a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

       b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

       c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

       d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

       3.Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
      4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

     5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”

Như vậy, về việc chia tài sản khi ly hôn chỉ đặt ra giữa vợ và chồng theo nguyên tắc tài sản chung của vợ, chồng sẽ được chia đôi (có xét tới một số yếu tố như hoàn cảnh 2 bên, công sức đóng góp tạo lập tài sản…) còn tài sản riêng của ai thì người đó sở hữu.

Về vấn đề thừa kế, theo Điểm a, Khoản 01, Điều 651, Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

  1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

       a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”

Như vậy, khi chồng bạn mất con của bạn có quyền được thừa kế di sản thừa kế (trừ trường hợp chồng bạn có để lại di chúc và truất quyền thừa kế của con bạn) theo quy định của pháp luật.

Luật gia tư vấn