Hướng dẫn chi tiết các dấu hiệu về hành vi “giao cấu”, “dâm ô”, “quan hệ tình dục khác” trong Bộ luật Hình sự năm 2015

|
Để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý ngày càng hiệu quả loại tội phạm phạm xâm hại tình dục, đặc biệt là các tội về xâm hại tình dục đối với trẻ em, Bộ luật hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến các tội xâm phạm tình dục.
Điều tra một tội phạm có hành vi dâm ô với trẻ em (nguồn ảnh https://vov.vn/)

Trong đó làm rõ về chủ thể phạm tội; cụ thể hóa hành vi phạm tội; mở rộng nội hàm khái niệm “giao cấu”, bổ sung trường hợp “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”; sửa đổi, bổ sung một số tình tiết định khung tăng nặng đối với nhóm tội này và bổ sung tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147) nhằm hình sự hóa hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức…

Tuy nhiên, việc triển khai các quy định của Bộ luật Hình sự về nhóm tội phạm này đã gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dấu hiệu định tội như thế nào là “giao cấu”, “dâm ô”, “hành vi quan hệ tình dục khác”.

Để áp dụng đúng, thống nhất một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, ngày 01/10/2019 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Theo đó, đã hướng dẫn chi tiết thế nào là “giao cấu”, “dâm ô”, “hành vi quan hệ tình dục khác. Cụ thể:

1. “Giao cấu” quy định tại khoản 1 các Điều 141, 142, 143, 144 và 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.

Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.

2. "Hành vi quan hệ tình dục khác" quy định tại khoản 1 các Điều 141, 142, 143, 144 và 145 của Bộ luật Hình sự được hiểu là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:

- Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;

- Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác

3. Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;

b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

c) Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

d) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;

đ) Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi)./.

                                                                         Theo: Ban Chính sách - Luật pháp, TW Hội LHPN Việt Nam (http://hoilhpn.org.vn/)