Phạm vi đại diện của vợ, chồng trong các giao dịch dân sự
* Câu hỏi:
Nhà đất là tài sản chung của vợ chồng, nhưng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chỉ ghi tên một người. Như vậy thì người đứng tên trên giấy chứng nhận có được quyền tự mình đại diện để quyết định các việc như thế chấp, góp vốn… không. Vợ chồng cùng hoạt động kinh doanh thì quyết định của mỗi người có hiệu lực thế nào?
Hoàng Lệ Hà (Cam Lâm)
* Trả lời:
Được pháp luật dân sự ghi nhận, đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Cá nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Đối với các giao dịch mà pháp luật bắt buộc cá nhân phải tự mình thực hiện thì không được để người khác đại diện cho mình để thực hiện giao dịch đó. Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện. Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện, gọi là đại diện theo ủy quyền; theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định của pháp luật.
Với vợ chồng, việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung được xác định theo quy định về đại diện của pháp luật dân sự và quy định của Luật Hôn nhân và gia đình cùng với các luật khác có liên quan. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.
Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của pháp luật phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
Đối với tài sản chung vợ chồng là quyền sử dụng đất cũng như các tài sản chung khác có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản mà chỉ ghi tên vợ hoặc chồng thì khi xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung này đều phải tuân thủ nguyên tắc đại diện được Bộ luật dân sự cũng như các luật khác quy định. Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật Hôn nhân và gia đình thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi.
Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật có quy định khác./.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng
- [23/08/2022] Trường hợp mẹ kế được thừa kế tài sản của con chồng
- [28/03/2022] Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được đảm bảo các quyền như thế nào?
- [10/03/2021] Từ ngày 10-3-2021, phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi ở 21 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Khánh Hòa sẽ được thưởng tiền hoặc hiện vật
- [23/11/2020] Đóng đủ 20 năm BHXH thì được hưởng bao nhiêu tiền lương hưu 1 tháng?
- [25/09/2020] Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh Khánh Hòa tổ chức truyền thông về an toàn giao thông tại thành phố Nha Trang
- [20/08/2020] Xử lý người có hành vi “hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng” đối với thành viên gia đình
- [30/07/2020] Đi xe đúng Luật có bị CSGT dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn?
- [30/07/2020] Con nuôi có được hưởng thừa kế không?