Hiệu quả từ mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng vốn tại xã Sơn Trung huyện Khánh Sơn
Những năm gần đây, nhờ vào mô hình nhóm tiết kiệm xoay vòng vốn mà nhiều phụ nữ nghèo tại xã Sơn Trung đã xây dựng được thói quen tiết kiệm, tính toán và quản lý chi tiêu trong gia đình. Từ đó, đã giúp cho nhiều chị em phụ nữ nghèo phát huy hiệu quả trong việc tạo nguồn vốn để phát triển sản xuất, cùng nhau xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Chi Chay tham gia mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng vốn của thôn từ năm 2010. 10 năm qua, nguồn vốn tiết kiệm của tổ đã luôn đồng hành cùng gia đình chị trong quá trình sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Từ những ngày điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, nguồn vốn của tổ tiết kiệm cũng đã giúp chị có kinh phí nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn. Giờ đây, khi gia đình chị đã gây dựng được cơ ngơi khá giả, chị vẫn tích cực tham gia góp vốn tiết kiệm để giúp các chị em khác cùng phát triển. “Trong nhóm của tôi có 20 thành viên. Mỗi tháng, nhóm tổ chức sinh hoạt một lần để góp vốn. Trong trường hợp nếu có thành viên cần kinh phí giải quyết việc quan trọng của gia đình thì nhóm sẽ ưu tiên cho thành viên đó vay trước. Còn nếu không thì bốc thăm. Vừa rồi, tôi cũng mới vay 20 triệu đồng về đầu tư mua giống heo, gà và cám về để phát triển chăn nuôi”, chị Hà nói.
Chị Bùi Thị Hoa Phượng là Tổ trưởng Tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng vốn xã Sơn Trung chia sẻ, mô hình này bắt đầu hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2010. Ban đầu toàn xã chỉ có 2 nhóm, với 30 thành viên, nay đã phát triển lên 6 nhóm, với 110 thành viên. Hằng tháng, các nhóm đều tổ chức sinh hoạt một lần nhằm đánh giá, nắm bắt tình hình lao động sản xuất, đời sống của từng thành viên, đồng thời góp vốn để cho một thành viên có nhu cầu vay. Cứ như thế, nguồn vốn sẽ được các chị em đóng góp và xoay vòng cho lần lượt các thành viên được vay không tính lãi. Những năm đầu, hầu hết các nhóm đều có mức đóng góp từ 300 -500.000 đồng/người/tháng. Mấy năm gần đây, điều kiện kinh tế của chị em đã phát triển hơn và nhu cầu vốn cũng tăng dần lên nên hiện tại đã có 5 nhóm nâng mức đóng góp lên 1 triệu đồng/người/tháng, chỉ còn 1 nhóm giữ mức đóng góp 500.000 đồng/người/tháng. Nếu cộng dồn từ ngày mới đi vào hoạt động đến nay, thì nguồn vốn chị em tự đóng góp đã lên đến hơn 1 tỷ đồng. Từ chỗ có hơn 10 thành viên thuộc hộ nghèo, đến nay các nhóm đều đã xóa hết hộ nghèo, nhiều hội viên vươn lên xây dựng cuộc sống khá, giàu”.
Chị Đào Thị Huyền (thôn Ma O) cũng chia sẻ: “Tôi tham gia Tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng vốn từ năm 2015. Từ sự đóng góp của các thành viên, mỗi tháng giúp cho một thành viên vay được 15 - 20 triệu đồng. Với số vốn này, giúp cho chị em có điều kiện buôn bán nhỏ hoặc trồng trọt, chăn nuôi, nuôi con cái ăn học, mua sắm vật dụng trong gia đình. Nhờ đó cuộc sống gia đình các thành viên trong nhóm đều đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây”.
Chị Bo Bo Thị Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Trung cho biết: “không chỉ giúp nhau về nguồn vốn, các thành viên trong Tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng vốn còn hỗ trợ, chia sẻ với nhau về kinh nghiệm lao động, sản xuất, nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc. Hằng tháng, ngoài nguồn vốn xoay vòng, thì các chị còn tự đóng góp kinh phí xây dựng quỹ để tổ chức đi tham quan, học hỏi các đơn vị khác. Thông qua mô hình này, đã phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, phát huy nội lực của chị em để giúp nhau xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Đồng thời, góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen trong chị em phụ nữ trên địa bàn xã”.
Hội Phụ xã Sơn Trung có hơn 600 hội viên. Hiện nay, toàn xã còn hơn 100 hộ nghèo có phụ nữ, trong đó trên 20 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Từ hiệu quả hoạt động của tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng vốn, thời gian tới, Hội Phụ nữ xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em mạnh dạn tham gia mô hình này, nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, để có thêm nguồn lực vươn lên cải thiện đời sống, cũng như góp phần thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Qua 10 năm triển khai thực hiện mô hình, đến nay mô hình tiết kiệm vốn vay trên địa bàn xã Sơn Trung đã trở nên gắn bó và hữu ích đối với các hội viên phụ nữ. Đặc biệt, từ mô hình đã hình thành cho hội viên, đặc biệt là phụ nữ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số thói quen tiết kiệm, tính toán chi tiêu trong gia đình góp phần phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Nguyễn Kim
- [12/01/2021] Phụ nữ Khánh Sơn thực hiện nhiều giải pháp giúp đỡ hội viên phụ nữ nghèo
- [12/01/2021] Phụ nữ Diên Khánh: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống
- [25/09/2020] Tăng cường vận động hội viên, phụ nữ tham gia các lớp đào tạo nghề theo Đề án 1956
- [06/08/2020] Hội Phụ nữ xã Vĩnh Hiệp (tp Nha Trang): Thực hiện nghiêm túc quy trình nhận ủy thác và quản lý vốn Ngân hàng chính sách xã hội
- [16/06/2020] Hoán đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi trên địa bàn phường Ninh Đa
- [13/01/2020] Hội LHPN xã Ninh Trung (thị xã Ninh Hòa) tặng phương tiện sinh kế cho phụ nữ khuyết tật
- [02/01/2020] Phụ nữ xã Diên Lộc (huyện Diên Khánh) chung tay xây dựng nông thôn mới
- [19/12/2019] Hội Liên hiệp phụ nữ Diên Khánh: Tăng cường các giải pháp quản lý tốt nguồn vốn ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội huyện