Cha mẹ lưu ý để không bỏ sót trầm cảm ở con

|

image001.jpg (58 KB)

Nhiều cha mẹ chủ quan trước những dấu hiệu tâm lý của con. Ảnh minh hoạ

Nhiều bố mẹ quá bận rộn mà không để ý đến những thay đổi bất thường của con, dẫn đến những sự việc đáng tiếc xảy ra. Hay có những bố mẹ biết con đang có những tổn thương tâm lý nhưng chủ quan cho rằng đó là chuyện bình thường, không có gì đáng lo ngại…

TS-Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu- Phó Giám đốc BV Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, bố mẹ không nên coi thường những dấu hiệu, những tổn thương về tâm lý của con. "Với đứa trẻ có nhiều nguy cơ tiềm ẩn thì cần được điều trị tâm lý, cần được khám xét, sàng lọc kỹ càng. Nếu rối loạn không phải nguyên nhân về tâm lý mà là bệnh lý nội sinh như trầm cảm thì cần điều trị cho con theo phương pháp của bác sĩ".

Theo bác sĩ Hồng Thu, có những dấu hiệu không khó để nhận thấy những tổn thương tâm lý của trẻ. Trẻ con thường hồn nhiên, vô tư, trong sáng, nhưng nếu thấy con có dấu hiệu bất thường như  thu mình lại, không nói chuyện với các bạn và bố mẹ, xung đột kéo dài với bố mẹ quá 2 tuần thì bố mẹ cần xem lại tình trạng của con. "Các con có dấu hiệu đau đầu, mất ngủ, đau bụng, có rối loạn như nói lắp, đái dầm, thay đổi tính nết, rối loạn giấc ngủ, hay suy nghĩ tiêu cực, hay thắc mắc, hỏi câu hỏi khác mọi ngày… thì bố mẹ cần cho con đi khám".

image003.jpg (141 KB)

Toạ đàm "Bên con những lúc khó khăn" do Báo PNVN tổ chức giúp giúp cha mẹ hiểu những khó khăn mà con đang gặp phải để có thể đồng hành cùng quá trình trưởng thành của con tốt nhất

Bên cạnh đó, bác sĩ Hồng Thu cho biết, bố mẹ cần chăm sóc bản thân mình. Bởi, nếu bố mẹ không vui vẻ, thoải mái, nếu chính bố mẹ trầm cảm, lo âu, mất ngủ thì sẽ không đủ kiên nhẫn lắng nghe con, dành thời gian cho con, yêu con vô điều kiện. Bố mẹ luôn nhớ bồi dưỡng khả năng thích nghi của chính mình và của các con.

Đưa con đi gặp chuyên gia tâm lý, đi khám ở bệnh viện khi con có những tổn thương là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, theo chị Đỗ Trang, Trưởng phòng Tư vấn tâm lý học đường trường Marie Curie, không có chuyên gia tâm lý nào tốt bằng bố mẹ, vì bố mẹ là người hiểu con nhất. Bố mẹ chính là chuyên gia tốt nhất của con. 

"Có những dấu hiệu cảnh báo dưới đây mà bố mẹ cần để ý: Con tự làm đau thân thể ở những chỗ bố mẹ không nhìn thấy, rửa tay quá nhiều, quá lâu ở trong nhà vệ sinh, bị hội chứng ám ảnh… Nếu bố mẹ chụp mũ con như nói con bị trầm cảm thì con sẽ thu mình lại, không chia sẻ với bố mẹ. Nếu thấy con bị các bạn gọi là tự kỷ thì bố mẹ cần quan sát xem con gặp khó khăn gì. Khi con nói ra một vai dấu hiệu, bố mẹ cần khai thác sâu hơn, từ đó trẻ sẽ trả lời vì cảm thấy mình đc quan tâm. Bố mẹ cần xem con đã sử dụng cách nào để tự điều trị cho mình. Bố mẹ cứ hỏi và lắng nghe chia sẻ của con rồi sau đó khích lệ con tìm kiếm phương án hỗ trợ.  Nếu cha mẹ đồng hành cùng con như vậy thì giúp con được rất nhiều", chuyên gia tâm lý Đỗ Trang cho biết.

Buổi toạ đàm "Bên con những lúc khó khăn" do Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức với sự tham gia của TS-Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu- Phó Giám đốc BV Tâm thần ban ngày Mai Hương và chuyên gia tư vấn tâm lý học đường Đỗ Trang- Trưởng phòng Tư vấn tâm lý học đường trường Marie Curie sẽ phần nào giúp cha mẹ hiểu những khó khăn mà con đang gặp phải để có thể đồng hành cùng quá trình trưởng thành của con tốt nhất.

Theo https://phunuvietnam.vn/cha-me-luu-y-de-khong-bo-sot-tram-cam-o-con-2022050216311078.htm