KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH: Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn!

|

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa lớn của thế giới. Cả cuộc đời của Người là tấm gương sáng chói về đạo đức cách mạng, về phẩm chất, phong cách sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản, luôn lo trước nỗi lo của nhân dân, vui sau niềm vui của nhân dân. Tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người có sức cổ vũ, động viên và cảm hóa hết sức lớn lao không chỉ đối với mỗi người dân Việt Nam mà cả đối với nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Sự cảm nhận của mỗi người về cuộc đời, về sự nghiệp, về hành động và tư tưởng của Bác là khác nhau để từ đó tự rút ra cho mình những bài học, những kinh nghiệm quý báu trong quá trình học tập, công tác cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

          Cứ mỗi năm vào dịp tháng năm về, toàn dân tộc Viêt Nam, cả kiều bào ta ở nước ngoài, cùng với nhiều học giả và bạn bè quốc tế lại có dịp nhắc tới vị lãnh tụ kiệt xuất Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta với tấm lòng kính yêu và khâm phục.

          Cuộc đời hoạt động vì sự nghiệp cách mạng, vì hạnh phúc của nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng phong phú và vĩ đại. Hồ Chí Minh được sinh ra trong một gia đình khoa bảng, có truyền thống hiếu học và yêu nước, từ tuổi ấu thơ đã phải chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân chịu hai tròng áp bức của thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn nên ở Người đã sớm hình thành tư tưởng căm ghét chế độ thực dân, phong kiến. Đến khi trưởng thành, xuất dương bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, hành trang mà Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước rất đơn giản, chỉ vài bộ quần áo, ít sách vở học sinh và chiếc vali nhỏ, nhưng về tinh thần Người đã chuẩn bị đầy ắp trong đầu, đó là những hiểu biết về ngôn ngữ tiếng Pháp, những nhận thức về tình hình chính trị, xã hội, kinh tế Việt Nam dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp. Trong 30 năm bôn ba ở nước ngoài, do có một nghị lực hơn người, sự học tập bền bỉ, trí nhớ tuyệt vời và thông minh hiếm có, Người đã học được nhiều thứ tiếng và sử dụng thành thạo một số tiếng như: Anh, Pháp, Hoa, Nga, Đức... cùng với đó Người học rất nhiều nghề như làm ảnh, làm báo... để vừa có tiền nuôi thân, vừa mua sắm phương tiện tối thiểu để hoạt động cách mạng. Người là một tấm gương sáng ngời về tinh thần học tập và tự học. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp xúc với Bản sơ thảo lần thứ nhất Những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, luận cương này đã chỉ cho Người con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Từ đây Người đã tích cực tham gia các cuộc hội thảo, hoạt động trong các tổ chức công đoàn, ái hữu của Pháp, hoạt động, làm việc trong Quốc tế Cộng sản. Năm 1927, theo nguyện vọng của Người, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đồng ý để Nguyễn Ái Quốc trở về hoạt động ở Đông Dương. Sau một thời gian ở Thái Lan, cuối năm 1927 Người lại sang Trung Quốc, liên hệ với những nhóm hoạt động trong nước. Đến năm 1930, vào ngày 3 tháng 2 lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Từ khi ra đời cho đến nay Đảng ta dưới sự lãnh đạo và diều dắt của vị lãnh tụ thiên tài - Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã lãnh đạo đất nước ta vượt qua bao thát ghềnh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu... Đất nước độc lập, thống nhất và đang trên đường hội nhập, phát triển.

bac-ho-Dai hoi 3.jpg (180 KB)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh tư liệu

          Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật Bác, chúng ta nhớ lại hình ảnh Người Chủ tịch kính yêu của dân tộc Việt Nam, một con người suốt đời chỉ lo cho dân, cho nước, Người tâm niệm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, Người là hiện thân của khát vọng đấu tranh giành độc lập dân tộc, hạnh phúc cho con người, đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”. Nhớ về Bác ta nhớ những lời dạy của Bác về trung thực, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm, về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về tinh thần tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu; về phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân...

          Tuy Bác đã đi xa nhưng những tư tưởng, phong cách, đạo đức của Người vẫn toả sáng đến mãi mai sau. Hiện nay Đảng ta đã xác định tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (theo Chỉ thị 05-CT/TW) gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII): về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, việc này yêu cầu các cấp ủy Đảng phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo gắn thực hiện việc học tập, làm theo Bác với thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm và các chỉ thị, nghị quyết khác của Đảng, với thực hiện nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua yêu nước ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ vào hoạt động của chi bộ góp phần làm cho sinh hoạt chi bộ thiết thực, từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đội ngũ cán bộ, đảng viên đặc biệt là cán bộ lãnh đạo phải thật sự nêu gương sáng về đạo đức, lối sống, gần dân, lắng nghe dân và có trách nhiệm với dân. Một tấm gương điển hình, một hành động gương mẫu có ý nghĩa hơn rất nhiều những lời giáo điều, sáo rỗng.

          Hơn nữa, trong những ngày tháng 5, năm 2020, năm nay, năm chúng ta kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người, cũng là những ngày chúng ta đang tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến đến Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thêm một lần nữa, để các cấp, các ngành, toàn thể cán bộ, đảng viên của Đảng cần nhận thức đầy đủ về vinh dự và trách nhiệm của mình trước Bác, trước Đảng, trước Nhân dân thể hiện vai trò của mình góp phần vào sự thành công của đại hội Đảng các cấp. Trong Di chúc của Bác đã viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Cùng những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ: “Cán bộ là gốc của mọi việc,” “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, lời căn dặn đó vẫn còn nguyên giá trị trong suốt những năm qua và đặc biệt nó còn có ý nghĩa sâu sắc trong thời gian này, thời gian mà các địa phương đang tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

          Nhớ Bác thiết tha với lòng biết ơn vô hạn, ôn lại những bài học quý giá, những việc làm trong sáng của Người trong dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác, đây là dịp chúng ta soi chung tấm gương lớn, tấm gương mẫu mực để học và làm theo Người. Bác Hồ Chí Minh kính yêu, nhớ Bác, yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn./.

Theo Tinhuykhanhhoa.vn

http://tinhuykhanhhoa.vn/tin-chi-tiet/id/7547/KY-NIEM-130-NAM-NGAY-SINH-CHU-TICH-HO-CHI-MINH--Yeu-Bac-long-ta-trong-sang-hon!