Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2019

|
  1. Chính sách với người công tác ở vùng đặc biệt khó khăn

Nghị định 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với người công tác ở vùng đặc biệt khó khăn cũng có hiệu lực từ ngày 01/12/2019.

Theo Nghị định, một loạt các khoản phụ cấp, trợ cấp sẽ được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đến công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, cụ thể:

- Trợ cấp một lần khi đến công tác lần đầu sẽ nhận ngay 10 lần mức lương cơ sở (trước đây phải công tác ít nhất 5 năm).

Khi có gia đình đi theo, hưởng thêm một khoản trợ cấp bằng 12 lần mức lương cơ sở.

- Phụ cấp thu hút được quy định rõ: khi công tác không quá 5 năm tại vùng đặc biệt khó khăn, được hưởng hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Nếu công tác từ đủ 5 năm tại vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng phụ cấp công tác lâu năm tính theo lương cơ sở x hệ số (hệ số từ 0,5 đến 1,0).

- Trợ cấp khi chuyển công tác: Nếu công tác từ đủ 10 năm tại vùng đặc biệt khó khăn, khi chuyển công tác hoặc nghỉ hưu sẽ được hưởng trợ cấp một lần. Đồng thời, mỗi năm công tác sẽ bằng 1/2 mức lương hiện hưởng + phụ cấp lãnh đạo + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)…

  1. Tăng mức cho vay với học sinh, sinh viên lên 2,5 triệu đồng/tháng

Quyết định 1656/2019 của Thủ tướng có hiệu lực từ 1/12 đã nâng mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lên 2,5 triệu đồng/tháng thay vì 1,5 triệu đồng/tháng như trước.

Đối tượng được vay vốn gồm: Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ, nhưng người còn lại không có khả năng lao động; học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc hộ nghèo...

Lãi suất cho vay ưu đãi là 0,55%/tháng và lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Để được vay tiền, học sinh, sinh viên năm nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường; học sinh, sinh viên từ năm hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học…

  1. Tăng 10 lần mức phạt với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Nghị định 75/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1/12 về xử phạt vi phạm hành chính trong trong lĩnh vực cạnh tranh có hiệu lực từ 1/12.

Một trong những điểm mới quan trọng của Nghị định này là tăng mức phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh gấp 10 lần so với hiện nay.

Cụ thể, nếu như trước đây, mức tiền phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh là 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức, thì từ 1/12, mức phạt được tăng lên 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức.

Trong đó, mức phạt đối với một số vi phạm điển hình như sau:

- Tiết lộ bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bị phạt từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng

- Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bị phạt từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng…

Ngoài bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng một số biện pháp xử phạt bổ sung khác như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; Tịch thu khoản lợi nhuận có được do vi phạm...

  1. Thu, hủy Chứng minh nhân dân hỏng, bong tróc từ 01/12/2019

Trình tự cấp thẻ Căn cước công dân đã được Bộ Công an sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 48/2019/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/12/2019.

Thông tư này quy định, khi làm thủ tục cấp Căn cước công dân, cán bộ phụ trách sẽ thu Chứng minh nhân dân, cắt góc và trả lại trong công dân trong trường hợp công dân đăng ký nhận thẻ Căn cước công dân qua chuyển phát nhanh.

Với những Chứng minh nhân dân bị hỏng, bong tróc, không rõ nét thì thu, hủy Chứng minh nhân dân đó và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Việc thu, hủy chứng minh nhân dân bị hỏng, bong tróc là điểm mới so với quy định trước đây.

Một điểm mới khác là công dân có thể kê khai thông tin trực tuyến khi làm Căn cước công dân.

Cụ thể, khi tiếp công dân đến làm thủ tục đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, cán bộ tiếp công dân yêu cầu người đến làm thủ tục viết tờ khai theo mẫu (nếu không kê khai trực tuyến).

Nếu đã kê khai trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến thì in tờ khai Căn cước công dân để công dân kiểm tra lại thông tin, ký, ghi rõ họ, chữ đệm và tên.

  1. Giới hạn đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất

Theo Nghị định 79/2019/NĐ-CP sửa đổi quy định về thu tiền sử dụng đất, chỉ còn 04 đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất trong trường hợp được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, gồm:

- Người có công với cách mạng;

- Hộ nghèo;

- Hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số;

- Hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Trước đây, hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất; được cấp Giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất và hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà có khó khăn về tài chính cũng sẽ được ghi nợ tiền sử dụng đất.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/12/2019.

  1. Từ 31/12/2019, đổi USD tại tiệm vàng chỉ còn bị phạt từ cảnh cáo

Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng sẽ có hiệu lực từ ngày 31/12/2019.

Nghị định này giảm mạnh mức phạt đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại các tổ chức không được phép, nhằm tránh bất cập như sự việc “đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng” xôn xao dư luận trước đây.

Cụ thể, thay vì một mức phạt chung là từ 80 - 100 triệu đồng, Nghị định quy định mức phạt đối với hành vi này phụ thuộc vào lượng ngoại tệ mua, bán. Trong đó:

- Phạt cảnh cáo nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD

- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 - 10.000 USD hoặc ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 mà tái phạm, vi phạm nhiều lần;

- Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 - 100.000 USD;

- Phạt tiền từ 80 - 100.000 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 USD trở lên.

- Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng nếu không niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng tại địa điểm giao dịch…

            T.H.(tổng hợp)