Triển vọng bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ năm 2022
“Không có quốc gia nào đạt được bình đẳng giới và đó tiếp tục phải là khát vọng của thế giới. Tôi hy vọng năm 2022, chúng ta sẽ thực sự đẩy mạnh các nỗ lực nhằm trao quyền và bình đẳng cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực”, bà Melanne Verveer - Giám đốc điều hành của Viện Phụ nữ, Hòa bình và An ninh Georgetown (Mỹ) - nhận định.
UN Women thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ
Xây dựng mạng lưới nữ quyền xuyên quốc gia
Trên khắp thế giới, bình đẳng giới là một vấn đề trọng tâm, được đưa vào chương trình nghị sự. Kế hoạch hành động vì bình đẳng giới của Liên minh các thành phố (GAP) 2022-2023 cung cấp hướng dẫn về cách Liên minh các thành phố sẽ đảm bảo rằng bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ được phản ánh trong tất cả các chương trình và quy trình, thông qua sự hợp tác với các nước thành viên trên quy mô toàn cầu. Liên minh các thành phố cam kết giải quyết bất bình đẳng giới trong phát triển thành phố và nâng cao năng lực của chính quyền địa phương, các tổ chức phụ nữ và các sáng kiến dựa vào cộng đồng để phụ nữ tham gia hiệu quả vào quy hoạch đô thị, thông qua 3 mục tiêu chính:
- Đóng góp một cách có hệ thống và toàn diện vào việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực chuyên đề.
- Phát triển quan hệ đối tác toàn cầu hàng đầu về sự tham gia của phụ nữ ở các thành phố.
- Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phát triển năng lực và nguồn lực để lập kế hoạch và quản trị thành phố toàn diện ở các cấp địa phương.
Mặt khác, chiến dịch toàn cầu của phụ nữ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới quốc tế sẽ chính thức được phát động vào ngày 8/3/2022. Các mục tiêu chung của chiến dịch là nâng cao nhận thức về quyền được tiếp cận thông tin về các dịch vụ xã hội của phụ nữ. Hiện 12 thành phố tham gia chiến dịch năm 2022 là: Bogota (Colombia); Casablanca (Maroc); Dhaka North (Bangladesh); Freetown (Sierra Leone); Maputo (Mozambique); Montevideo (Uruguay); Nairobi (Kenya); Paris (Pháp); Santo Domingo (Dominica); Tunis (Tunisia); Washington DC (Mỹ); Birmingham (Anh).
Theo chiến dịch, thông tin có sức mạnh để biến đổi cuộc sống. Quyền cơ bản được tiếp cận thông tin là rất quan trọng đối với cả chính phủ, người dân và đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ. Nó mang lại tiếng nói có ý nghĩa hơn, cho phép phụ nữ tham gia cuộc sống công cộng, tiếp cận các dịch vụ công, đưa ra quyết định tốt hơn cho bản thân, gia đình và cộng đồng của họ.
"Mong muốn của tôi là một mạng lưới nữ quyền xuyên quốc gia thực sự được kết nối trên khắp các lục địa. Tôi hy vọng rằng mình sẽ chứng kiến một năm 2022 chuyển đổi", Pardis Mahdavi - Tiến sĩ, Giám đốc trường Chuyển đổi Xã hội thuộc Đại học bang Arizona - cho hay.
"Không có quốc gia nào đạt được bình đẳng giới và đó tiếp tục phải là khát vọng của thế giới. Tôi hy vọng năm 2022, chúng ta sẽ thực sự đẩy mạnh các nỗ lực nhằm trao quyền và bình đẳng cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực: Từ tham gia kinh tế, chính trị đến bảo vệ sức khỏe phụ nữ và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới", bà Melanne Verveer - Giám đốc điều hành của Viện Phụ nữ, Hòa bình và An ninh Georgetown (Mỹ) - nhận định.
Tăng cường nhiều phụ nữ ở vị trí ra quyết định
Năm 2021, 8 quốc gia đã bầu phụ nữ làm người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ. Một loạt nhà lãnh đạo nữ hứa hẹn sẽ bứt phá và có đóng góp tích cực cho sự phát triển của thế giới trong năm 2022 như ứng viên Tổng thống Pháp Valerie Pecresse. Ngày 18/1 vừa qua, Roberta Metsola (người Malta, 43 tuổi) đã được bầu làm Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) và trở thành người phụ nữ đầu tiên trong 20 năm qua đứng đầu liên minh Quốc hội các nước châu Âu. Bà cũng là chủ tịch trẻ nhất của EP. Cuộc chiến chống bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử vẫn là một trong những mối quan tâm chính trị gần gũi nhất của bà. Không bị thuyết phục về sự cần thiết phải có "hạn ngạch cứng" trong mọi tình huống, bà tin rằng công việc cơ bản, đặc biệt là với phụ nữ trẻ, là chìa khóa để tiến bộ. Bà thường tóm tắt quan điểm về chính sách bình đẳng lý tưởng của mình bằng cụm từ "Phụ nữ được trao quyền, trao quyền cho phụ nữ". "Tôi muốn thấy nhiều phụ nữ hơn ở tất cả các cấp trong khu vực tư nhân và khu vực công. Chúng ta, trong lĩnh vực chính trị, cần phải là những người đi đầu trong việc thúc đẩy cải cách đó", bà Roberta Metsola nhấn mạnh.
Ảnh minh họa
Đồng quan điểm với Chủ tịch EP, các chương trình của Liên Hợp Quốc (LHQ) về lãnh đạo và về quyền đại diện của phụ nữ đã cung cấp các khóa đào tạo cho các ứng cử viên chính trị nữ để giúp xây dựng năng lực cho họ, đồng thời tổ chức các chiến dịch giáo dục công dân và cử tri về bình đẳng giới. LHQ kêu gọi các đảng phái chính trị, chính phủ và các tổ chức thực hiện vai trò của mình trong việc trao quyền cho phụ nữ. Các sáng kiến khác khuyến khích nam và nữ thanh niên tham gia vận động xung quanh việc đưa các biện pháp bình đẳng giới trở thành trọng tâm trong hoạch định chính sách công. UN Women ủng hộ các cải cách lập pháp và hiến pháp để đảm bảo phụ nữ tiếp cận công bằng với các lĩnh vực chính trị.
Bên cạnh đó, đầu tư vào trao quyền kinh tế cho phụ nữ là con đường trực tiếp hướng tới bình đẳng giới, giúp xóa nghèo và tăng trưởng kinh tế bao trùm. Làm việc với nhiều đối tác khác nhau, các chương trình của UN Women thúc đẩy khả năng của phụ nữ trong việc đảm bảo việc làm tốt, tích lũy tài sản, tác động đến các thể chế và chính sách công quyết định sự tăng trưởng và phát triển. Trong tất cả các chương trình trao quyền kinh tế, UN Women tiếp cận với những phụ nữ có nhu cầu nhất, các nhóm bị thiệt thòi đặc biệt bao gồm phụ nữ nông thôn, người giúp việc gia đình, phụ nữ di cư và phụ nữ có kỹ năng thấp. Mục tiêu của UN Women là giúp chị em có thu nhập cao hơn, có khả năng tiếp cận và kiểm soát tốt hơn các nguồn lực cũng như an ninh cao hơn, bao gồm cả việc bảo vệ khỏi bạo lực giới.
Trong bối cảnh phụ nữ chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, thế giới đang chứng kiến một xu hướng mạnh mẽ hơn: Các dự án hỗ trợ phụ nữ đang trở thành một phần của hệ sinh thái, nơi họ có thể hợp tác và tận dụng các nguồn lực. Hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển với tốc độ chóng mặt và những tháng tới chắc chắn sẽ chứng kiến sự xuất hiện của các công ty khởi nghiệp sáng tạo, có tiềm năng cao. Nhìn chung, 2022 có thể là năm mà tinh thần kinh doanh của phụ nữ sẽ phát triển mạnh. Ngày càng nhiều phụ nữ trở thành doanh nhân và lãnh đạo doanh nghiệp. Trước đại dịch, có 153 triệu nữ doanh nhân trên toàn thế giới. Con số này hiện là 252 triệu (trong tổng số 582 triệu doanh nghiệp trên toàn cầu).
- [12/02/2025] Vạn Phú: Hỗ trợ tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn
- [07/01/2025] Chị Đặng Thị Thừa – Người Phụ nữ làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo trong cuộc sống
- [05/01/2025] Vốn vay giải quyết việc làm tạo sức bật cho Hội viên Phụ nữ xã Diên Đồng
- [18/11/2024] Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thi “Thủ lĩnh giỏi trong trường học” năm 2024 tại huyện Khánh Vĩnh và huyện Khánh Sơn
- [18/11/2024] Những hũ gạo san sẻ yêu thương
- [14/02/2022] Làm thế nào để giúp con trẻ an toàn khi trực tuyến
- [10/02/2022] Hội LHPN tỉnh tổ chức hoạt động thăm hỏi, động viên các gia đình phụ nữ hoàn cảnh khó khăn có con em tham gia nhập ngũ năm 2022
- [09/02/2022] Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ mừng Xuân Nhâm Dần 2022
- [08/02/2022] Từ bài học tự lực, tự cường của Bác Hồ…
- [02/02/2022] Xây dựng Đảng bộ vững mạnh, đưa Khánh Hòa phát triển đột phá, bền vững trong tương lai