Hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu về công tác phản biện xã hội nhiệm kỳ 2017 - 2022

|
Căn cứ vào chỉ tiêu qui định hàng năm các cấp Hội tham gia đóng góp ý kiến, phản biện xã hội ít nhất 01 văn bản dự thảo có liên quan.

Tuy nhiên rà soát lại chỉ tiêu này thực hiện trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, vẫn còn một số các cấp  Hội chưa triển khai và thực hiện theo đúng chỉ tiêu đề ra. Trong nửa nhiệm kỳ còn lại, yêu cầu các cấp Hội tích cực tham gia thực hiện chỉ tiêu về công tác phản biện xã hội. Vì vậy Hội LHPN tỉnh đề nghị các cấp Hội nghiên túc và bám sát vào các nội dung cụ thể:

1. Hướng dẫn thực hiện phản biện xã hội

1.1. Một số kiến thức chung về phản biện xã hội

- Khái niệm

Phản biện xã hội là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

- Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội là sự phản biện nói chung, nhưng có quy mô và lực lượng rộng rãi hơn của xã hội, của nhân dân và các nhà khoa học, phản biện mang tính nhân dân và chỉ ở mức nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để các cơ quan, tổ chức tham khảo.

- Mục đích phản biện xã hội

+  Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội Phản biện xã hội nhằm:

+ Kiến nghị những nội dung thiết thực góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; Phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

- Chủ thể thực hiện phản biện xã hội

Chủ thể phản biện xã hội là: Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp.

- Phạm vi phản biện xã hội

Chủ trì phản biện xã hội đối với các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên, tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của đoàn thể mình; Phạm vi phản biện xã hội của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bao gồm: Các văn bản, dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, tổ chức Hội.

- Nội dung phản biện xã hội

Nội dung phản biện xã hội của Hội LHPN Việt Nam dựa trên các căn cứ sau:

+ Chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm; quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án (sau đây gọi chung là dự thảo văn bản) của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, hội viên, đoàn viên của các tổ chức thành viên, quyền và trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

+ Kiến nghị của các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

+ Theo đề nghị của cơ quan nhà nước cùng cấp có dự thảo văn bản cần phản biện xã hội.

- Phương pháp phản biện xã hội: Có ba phương pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội:

+ Tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Hội LHPN: Khi tổ chức hội nghị phản biện xã hội cần mời đại diện có trách nhiệm của cơ quan, tổ chức yêu cầu phản biện xã hội.

+ Tổ chức lấy ý kiến phản biện của hội viên phụ nữ thông qua sinh hoạt chi/tổ Hội; gửi văn bản dự thảo đến các cơ quan/tổ chức/cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện.

+ Khi cần thiết, Hội LHPN có thể tổ chức đối thoại trực tiếp với cơ quan, tổ chức có văn bản dự thảo.

1.2. Quy trình thực hiện phản biện xã hội: Phản biện xã hội cần thực hiện tốt các bước sau:

* Bước 1: Xây dựng kế hoạch và các điều kiện cần thiết để tiến hành tổ chức phản biện xã hội

- Định kỳ quý IV hàng năm Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phản biện xã hội của năm sau. Trên cơ sở kế hoạch phản biện xã hội hàng năm của Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội LHPN các cấp được đề nghị chủ trì phản biện xã hội xây dựng kế hoạch phản biện cụ thể cho từng dự thảo văn bản.

- Hàng năm, căn cứ vào chương trình xây dựng dự thảo, chương trình, dự án, đề án của cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp, tình hình, đặc điểm về chính trị, kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại của đất nước, của địa phương, Hội xây dựng kế hoạch phản biện xã hội về những vấn đề thuộc phạm vi nội dung phản biện xã hội có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và bình đẳng giới… Trong trường hợp có yêu cầu phản biện ngoài kế hoạch thì các bên liên quan sẽ thống nhất bổ sung để triển khai, thực hiện.

* Bước 2: Tổ chức việc phản biện xã hội

- Căn cứ yêu cầu, tình hình thực tế, điều kiện bảo đảm, tính chất, mức độ quan trọng của nội dung dự thảo cần phản biện xã hội, Hội LHPN các cấp lựa chọn một trong các hình thức phản biện xã hội phù hợp.

- Trước khi tiến hành phản biện xã hội, Hội LHPN các cấp tổ chức phản biện đề nghị, trao đổi với cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ trì xây dựng dự thảo văn bản được phản biện cung cấp dự thảo văn bản, tài liệu có liên quan.

- Dựa trên sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia, trước ngày tổ chức phản biện xã hội, Hội LHPN các cấp gửi dự thảo văn bản cần phản biện đến thành viên Hội đồng tư vấn, các tổ chức tư vấn hoặc chuyên gia, nhà khoa học, cộng tác viên để tham vấn ý kiến.

- Trong trường hợp xét thấy nội dung cần phản biện xã hội chưa rõ, có nhiều ý kiến khác nhau hoặc nội dung cần phản biện có liên quan, tác động đến nhiều đối tượng trong xã hội cần thiết thu thập thông tin để có cơ sở, thì Hội LHPN các cấp tổ chức khảo sát thực tế trước khi tiến hành phản biện xã hội.

* Bước 3: Viết văn bản phản biện xã hội. Trên cơ sở thông tin đã sắp xếp, phân loại theo các nội dung phản biện xã hội.

Trên cơ sở ý kiến chuyên gia và việc phân tích thông tin thu thập được đối với nội dung phản biện, Hội LHPN các cấp xây dựng văn bản phản biện xã hội. Sau đó, Hội gửi văn bản phản biện xã hội đến cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Phần viết văn bản phản biện cần cung cấp thông tin về vấn đề giới trong văn bản chính sách, pháp luật; tập trung vào những đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc thay đổi quy định trong dự thảo văn bản:

- Xác định loại văn bản, có thể là Công văn phúc đáp hoặc có thể ở dạng công văn đề nghị.

- Lấy ý kiến góp ý dự thảo văn bản phản biện (nếu thấy cần thiết) để khẳng định lại quan điểm và để mọi người có thể tiếp tục cho ý kiến bổ sung.

- Hoàn thiện văn bản phản biện: Sau khi văn bản được lãnh đạo Hội cho ý kiến, tiếp thu và hoàn thiện văn bản.

- Gửi văn bản phản biện tới cơ quan có thẩm quyền hoặc phát biểu tại hội nghị: Nếu là văn bản kiến nghị thì gửi tới cơ quan có thẩm quyền theo quy định...

- Văn bản phải có chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu, gửi đến cơ quan tổ chức yêu cầu phản biện.

* Bước 4: Theo dõi việc tiếp thu ý kiến phản biện xã hội của cơ quan, tổ chức yêu cầu phản biện xã hội.

- Đối chiếu với ý kiến phản biện của Hội với các dự thảo tại thời điểm phản biện để tiếp tục có ý kiến góp ý, đề xuất, kiến nghị.

- Đề nghị ban soạn thảo hoặc cơ quan chủ trì soạn thảo cung cấp thông tin về việc chưa hoặc không tiếp thu ý kiến phản biện của Hội.

- Nếu cơ quan, tổ chức yêu cầu phản biện xã hội không tiếp thu ý kiến phản biện xã hội, Hội LHPN có thể yêu cầu tổ chức đối thoại với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản. 

1.3. Một số cách thức thực hiện phản biện xã hội

*Tổ chức hội nghị phản biện:

Bước 1: Chuẩn bị tổ chức hội nghị

- Lãnh đạo Hội các cấp trao đổi với cơ quan chủ trì soạn thảo về thời gian, địa điểm, nội dung và cách thức tiến hành tổ chức hội nghị phản biện; yêu cầu cung cấp tài liệu và cử đại diện tham dự hội nghị.

- Hội xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị.

- Hội phân công ban, đơn vị tham mưu bước đầu nghiên cứu định hướng, đề xuất nội dung phản biện xã hội; tổng hợp ý kiến, kiến nghị, phản ảnh của hội viên, phụ nữ, người dân, các cấp Hội liên quan đến vấn đề phản biện.

- Tùy từng vấn đề phản biện xã hội, Hội đề nghị  các tổ chức thành viên, mời  ban/ngành có liên quan làm nòng cốt tham gia, đồng thời, mời các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu lĩnh vực, nội dung dự kiến phản biện xã hội tham dự.

- Tùy từng nội dung, lĩnh vực có thể  đặt từ 1-5 bài viết của chuyên gia tham gia phản biện xã hội chuyên sâu đối với nội dung cần được phản biện xã hội.

- Chậm nhất trước ngày tổ chức hội nghị 05 ngày, Hội gửi tài liệu đến đại biểu tham dự hội nghị phản biện xã hội.

- Tùy theo tính chất, quy mô và phạm vi phản biện xã hội, Hội quyết định về thành phần tham dự hội nghị: Đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; đại diện các bộ/ban, ngành liên quan; các tổ chức chính trị - xã hội; các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực hoạt động có liên quan đến nội dung dự thảo văn bản được phản biện xã hội; đại diện cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện  xã hội; đại diện cơ quan, tổ chức khác có liên quan; các nhóm đối tượng thụ hưởng hoặc bị tác động trực tiếp bởi các quy định trong dự thảo văn bản.

Bước 2: Tiến hành Hội nghị phản biện xã hội:

Hội nghị được tiến hành theo trình tự sau:

- Hội giới thiệu các đại biểu tham dự hội nghị và trình bày định hướng và những nội dung trọng tâm cần tập trung phản biện.

- Đại diện cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện xã hội giới thiệu những nội dung cơ bản của dự thảo.

- Các đại biểu tham dự Hội nghị tiến hành thảo luận về các nội dung phản biện xã hội.

- Đại diện cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện xã hội trao đổi làm rõ những vấn đề cần thiết có liên quan đến nội dung được phản biện xã hội.

- Chủ trì hội nghị kết luận hội nghị phản biện xã hội.

2. Điểm mới trong thực hiện phản biện xã hội của Hội LHPN Việt Nam

- Hội LHPN các cấp phải thực sự chủ động trong xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác PBXH; Lựa chọn nội dung, vấn đề PBXH đúng, trúng những vấn đề mà nhân dân quan tâm, dư luận đang nổi lên. Phải chủ động, sáng tạo lựa chọn các phương thức phản biện, đóng góp ý kiến phù hợp với nội dung, đối tượng.

- Căn cứ vào các nghiên cứu (nghiên cứu tổng thể, nghiên cứu nhanh, khảo sát), có thể sử dụng các kết quả nghiên cứu của cơ quan khác; căn cứ vào thực tiễn công tác Hội và phong trào phụ nữ để đảm bảo các ý kiến phản biện của Hội có tính khoa học, thực tiễn.

- Nếu vấn đề phản biện xã hội mang tính chuyên ngành, đặc thù, Hội có thể mời chuyên gia hoặc xuống tận địa phương để quan sát, thu thập ý kiến của hội viên, phụ nữ, người dân, những đối tượng bị tác động.

- Chủ động mời Ban soạn thảo tham dự các Hội nghị lấy ý kiến phản biện xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các cơ quan chuyên môn nghiệp vụ, huy động được các chuyên gia, nhà khoa học, những người có kinh nghiệm thực tiễn để nâng cao hiệu quả PBXH và góp ý. Phát huy tốt vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trước, trong, sau các cuộc PBXH.

- Cán bộ làm PBXH phải có bản lĩnh chính trị vững vàng trong việc thực hiện PBXH; phải kiên quyết, kiên trì theo dõi các cơ quan, đơn vị được PBXH tiếp thu và thực hiện những ý kiến góp ý sau PBXH.

                                                                                                                        HỘI LHPN TỈNH

Tin tức khác