Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự
Ngày 26/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Luật gồm 10 chương với 73 điều, có hiệu lực thi hành từ 01/07/2016.
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
- Phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định về nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; điều tra viên và các chức danh khác trong điều tra hình sự; quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát trong hoạt động điều tra hình sự; bảo đảm điều kiện cho hoạt động Điều tra hình sự và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (Điều 1).
- Đối tượng áp dụng luật bao gồm: (i) Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; (ii) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng và cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; (iii) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (Điều 2).
2. Một số quy định liên quan đến trách nhiệm của Hội
- Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam các cấp được coi là cơ quan có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm, vụ việc phạm tội, kiến nghị khởi tố; đồng thời, có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, quyết định và tạo điều kiện để Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, người có thẩm quyền điều tra hình sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động điều tra hình sự.
Hội cũng đồng thời được quyền yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thông báo kết quả giải quyết kiến nghị, tố giác, báo tin về tội phạm.
“Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động Điều tra hình sự
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm, vụ việc phạm tội, kiến nghị khởi tố; có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, quyết định và tạo điều kiện để Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, người có thẩm quyền điều tra hình sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động điều tra hình sự.
- Cơ quan nhà nước có trách nhiệm thông báo ngay cho Cơ quan điều tra mọi hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình; có quyền kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra để xem xét khởi tố đối với người có hành vi phạm tội; thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, người có thẩm quyền điều tra hình sự thực hiện nhiệm vụ điều tra.
- Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị, tố giác, báo tin về tội phạm và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm”.
- Luật quy định vai trò giám sát hoạt động điều tra hình sự của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam với tư cách là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
“Điều 13. Giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động điều tra hình sự
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, người có thẩm quyền điều tra hình sự theo quy định của pháp luật.
Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã yêu cầu, kiến nghị theo quy định của pháp luật”.