Giới thiệu Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015

hlhpn.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ sáu, 22/11/2024 ]
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam (số 94/2015 /QH13) có 11 chương, 73 điều, được Quốc hội khóa XIII thông qua  ngày 25/11/2015, tại kỳ họp thứ 10. Luật được ban hành là một bước tiến mới trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự nói riêng, là sự cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc bảo đảm hoặc hạn chế quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân trong các trường hợp cần thiết vì lý do an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Ban đầu, Luật này được xác định có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2016. Tuy nhiên, ngày 30/6/2016, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, theo đó, lùi hiệu lực thi hành của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 đến ngày ngày 1/1/2018.

  1. Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Luật quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành tạm giữ, tạm giam; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành tạm giữ, tạm giam (điều 1).

Luật áp dụng đối với người bị tạm giữ, tạm giam; cơ quan người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Viện kiểm sát nhân dân; Tòa án nhân dân; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (Điều 2).

  1. Những quy định liên quan đến phụ nữ

Luật giải thích rõ thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam bao gồm cá nhân là phụ nữ như sau: “Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại” (khoản 8, điều 3).

Trong nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật quy định rõ nguyên tắc “Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam” (khoản 3 điều 4); “Áp dụng các biện pháp quản lý giam giữ phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, độ tuổi, giới tính, sức khỏe; bảo đảm bình đẳng giới, quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em và các đặc điểm nhân thân khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam” (khoản 5 điều 4).

Luật đã quy định một số chính sách có liên quan đến phụ nữ trong thi hành tạm giữ, tạm giam như sau:

- Về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam: Luật đã xây dựng một điều riêng (Điều 9) quy định cụ thể về tất cả những quyền mà người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng, trong đó có những quyền mà trước đây chưa được quy định như: Người bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân (điểm b khoản 1 Điều 9). Đây là quy định mới, chưa từng có tiền lệ. Theo đó, nếu người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ thì đương nhiên là đối tượng áp dụng của quy định này.

-  Trong tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam, Luật quy định trách nhiệm của cơ sở giam giữ “Lập biên bản giao nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, tài liệu, hồ sơ kèm theo; tổ chức khám sức khỏe, kiểm tra thân thể của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và trẻ em dưới 36 tháng tuổi đi theo (nếu có). Việc kiểm tra thân thể người bị tạm giữ, người bị tạm giam là nam giới do cán bộ nam thực hiện, nữ giới do cán bộ nữ thực hiện và được tiến hành ở nơi kín đáo” (Khoản 2 điều 16).

-  Trong phân loại quản lý, Luật có những quy định dành riêng cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam là đối tượng phụ nữ hoặc người dưới 18 tuổi. Người bị tạm giam giữ, người bị tạm giam là đối tượng phụ nữ hoặc người dưới 18 tuổi được phân loại và bố trí theo khu (điểm c, điểm d, khoản 1 điều 18). Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng (điểm c khoản 4 điều 18).

- Về quyền được gặp thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam:  Luật quy định “Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ” (khoản 1 điều 22).

- Về Chế độ mặc và tư trang của người bị tạm giữ, người bị tạm giam: Trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ bên cạnh quy định được cấp các đồ dùng như đối tượng tạm giữ, tam giam khác thì còn được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh của phụ nữ. (khoản 1 điều 28).

Ngoài những quy định dành riêng cho đối tượng là phụ nữ nói chung, Luật còn dành 1 chương riêng (Chương V) quy định về chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, cụ thể như sau:

- Về chế độ ăn, ở và quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi: Luật có những quy định mang tính nhân đạo sâu sắc, nhằm bảo đảm sức khỏe của người mẹ và bảo đảm sự phát triển bình thường của thai nhi, trẻ em, cụ thể là “người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai, được chăm sóc y tế, được hưởng chế độ ăn uống bảo đảm sức khỏe; nếu sinh con thì được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ, được cấp thực phẩm, đồ dùng, thuốc men cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh, được bảo đảm thời gian cho con bú trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở giam giữ đóng trụ sở có trách nhiệm đăng ký và cấp giấy khai sinh. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 03 mét vuông” (khoản 1 điều 35).

Cơ sở giam giữ phải tổ chức việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có con từ đủ 36 tháng tuổi trở lên thì phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng; trường hợp không có thân nhân nhận nuôi dưỡng thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cơ sở giam giữ chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sau khi được trả tự do được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi tại cơ sở giam giữ (khoản 2 điều 35).

  1. Những quy định liên quan đến trách nhiệm của tổ chức Hội

Luật quy định rõ trách nhiệm của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là thành viên) giám sát việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam: “…Giám sát hoạt động của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật” (điều 7)./.