Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam tổng hòa các giá trị, truyền thống và hiện đại, trở thành nguồn lực mạnh mẽ thực hiện mục tiêu phát triển con người, phát triển đất nước

hlhpn.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 21/11/2024 ]
Sáng ngày 28/6/2021, TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống - Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam: Nhận diện và Giải pháp”. Tại hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đã có bài phát biểu khai mạc quan trọng.

Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này:

28.6 c Nga 3.jpg (92 KB)

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu khai mạc Hội thảo

Kính thưa PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Uỷ viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Kính thưa các vị đại biểu, khách quý, thưa toàn thể hội thảo

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) vào thời điểm hết sức đặc biệt, cả nước đang tập trung toàn lực, thần tốc để chặn đường dịch bệnh Covid-19 và quyết tâm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Hôm nay, đúng vào ngày Gia đình Việt Nam 28/6, TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống - Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam: Nhận diện và Giải pháp”. Thay mặt các cơ quan tổ chức hội thảo, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các vị đại biểu, khách quý, các chuyên gia, các nhà khoa học đã dành thời gian tham gia hội thảo trực tiếp tại Hà Nội cũng như tại các điểm cầu trực tuyến trên cả nước.  

Thưa các quý vị đại biểu,

Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định, sự ổn định của gia đình chính là một trong những nhân tố quan trọng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, là nơi kết nối, gắn kết các thế hệ, giữ gìn, phát huy những chuẩn mực, giá trị, tinh hoa văn hoá dân tộc” như Thông điệp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam.

Ch thị 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư xác định gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mới đây, ngày 24/6/2021, Ban Bí thư TW Đảng đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, đã yêu cầuXác định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước”. Đầu tư cho gia đình, vì vậy, cũng là đầu tư cho phát triển bền vững.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII yêu cầu tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình, gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, đặt hệ giá trị gia đình vào vị thế vốn rất quan trọng, với tư cách là các tế bào của xã hội, là hạt nhân lưu giữ và phát huy các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, con người Việt Nam; đồng thời, tiếp tục nhấn mạnh chuẩn mực của gia đình Việt Nam là ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

Trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có nhiều tác động cả tích cực và tiêu cực, gia đình Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức: các vấn đề mới xuất hiện, gia đình truyền thống ngày càng thu hẹp, các quan hệ tự do, cởi mở về hôn nhân và gia đình xuất hiện, tình trạng ly hôn, sống đơn thân, ngại sinh con cùng với tình trạng buông lỏng giáo dục gia đình, lối sống thực dụng, chạy theo vật chất đã chi phối thái độ, ứng xử các thành viên trong gia đình và xã hội.

Qua các thời kỳ phát triển, mặc dù cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình vẫn luôn là nhân tố đặc biệt quan trọng, không thể thiếu trong sự trường tồn của dân tộc và phát triển đất nước. Xây dựng một hệ giá trị gia đình Việt Nam gồm tổng hòa giá trị kinh tếvăn hóa, xã hội kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trở thành nguồn lực mạnh mẽ thực hiện mục tiêu phát triển con người, phát triển đất nước đang là yêu cầu đặt ra khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Kính thưa các vị đại biểu, khách quý, thưa toàn thể hội thảo

Những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã phát động các phong trào thi đua, cuộc vận động và tổ chức nhiều hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình. Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 đã đặt ra chương trình hành động nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc. Trước thềm Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Hội tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm gồm: xây dựng gia đình và vun đắp các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam cùng với việc tiếp tục triển khai phong trào thi đua và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”. Cho nên, việc nghiên cứu, chỉ ra những giá trị gia đình cốt lõi, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của phụ nữ, của xã hội; đồng thời, xác định giải pháp thực tiễn để vun đắp giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là hết sức cần thiết, là trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và sứ mệnh của tổ chức Hội Phụ nữ, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. 

Hệ giá trị gia đình hiện nay rất rộng, bao gồm những giá trị gia đình phổ quát và giá trị cụ thể. Với 52 báo cáo tham luận gửi tới hội thảo và sự tham gia của hơn 300 đại biểu là các học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, hoạch định chính sách, những người đang trực tiếp công tác trong lĩnh vực công tác gia đình, bình đẳng giới, Hội LHPN các cấp ở cả điểm cầu trực tiếp và trực tuyến, chúng tôi mong muốn hội thảo sẽ tập trung thảo luận nội hàm của một số giá trị gia đình sau:

Một là, các giá trị đạo đức, nề nếp, nhân văn trong văn hoá gia đình Việt Nam 

Văn hóa gia đình Việt Nam được hình thành, vun đắp qua nhiều thế hệ, đề cao giá trị đạo đức, nề nếp, kỷ cương, nuôi dưỡng tâm hồn, rèn rũa phẩm chất, hình thành nhân cách con người. Gia đình tốt, sẽ sinh ra những con người tốt, là đảm bảo cho một xã hội tiến bộ, văn minh, đất nước phát triển bền vững. Ở thời đại nào, văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội. Chính vì vậy, làm sao để các giá trị ấy tiếp tục thấm sâu, thực sự là mạch nguồn cho gia đình phát triển trong bối cảnh mới.

Phụ nữ với vai trò là người mẹ, người thầy đầu tiên, người trao truyền văn hoá, giữ vững “nếp nhà” sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình như thế nào trong sự tiếp biến giá trị văn hoá mới hiện nay? Giá trị văn hoá gia đình nào cần tiếp tục vụ đắp? Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam sẽ cần thực hiện vận động phụ nữ và xã hội chung tay vun đắp các giá trị văn hóa gia đình như thế nào

Hai là, giá trị hôn nhân và con cái trong gia đình Việt Nam

Mặc dù hiện nay, quan niệm về hôn nhân, con cái có khác nhau ở các nhóm đối tượng, vùng miền, ngành nghề, mức thu nhập... song nhiều nghiên cứu cho thấy hôn nhân và gia đình vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người Việt Nam. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn là 77,5%; dân số đang có vợ, chồng chiếm 69,2%. Vun đắp một cuộc hôn nhân tiến bộ, lành mạnh, xây dựng gia đình hạnh phúc là giá trị phổ quát hiện nay.

Tuy nhiên, tình trạng giảm tỷ suất sinh và mất cân bằng giới tính khi sinh cũng đang là vấn đề cần quan tâm. Tỷ suất sinh của phụ nữ Việt Nam hiện nay thấp hơn mức trung bình của các nước khu vực Đông Nam Á. Tỷ số cân bằng giới tính khi sinh không ổn định trong thời gian qua.

Nghị quyết số 21-NQ/TW của BCH TW Đảng (khoá XII) về công tác dân số trong tình hình mới nhấn mạnh “tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”. Một trong những giải pháp của Nghị quyết là tiếp tục vận động mỗi cặp vợ chồng nên có đủ 2 con, đảm bảo quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc.

Trong bối cảnh đó, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục vun đắp hôn nhân lành mạnh, tự nguyện, tiến bộ như thế nào? Phụ nữ phát huy bổn phận, trách nhiệm với gia đình và đất nước trong hôn nhân, gia đình ra sao là những câu hỏi cần tiếp tục trả lời.

Ba là, các giá trị kinh tế của gia đình hướng tới xây dựng gia đình sung túc, thịnh vượng

Phát triển kinh tế gia đình tạo tiền đề vật chất đáp ứng nhu cầu của gia đình là mục tiêu phấn đấu, là nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình. Khi kinh tế gia đình ổn định, phát triển sẽ tạo điều kiện để mỗi cá nhân có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa tốt hơn. Phát triển kinh tế gia đình trở thành yêu cầu thường xuyên của mỗi hộ gia đình. Chính phủ đã có chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, cùng nhiều giải pháp để chăm lo đời sống nhân dân, song sự nỗ lực, vươn lên của mỗi người dân, của mỗi gia đình mới chính là giải pháp căn cơ, quyết định.

Thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, giúp phụ nữ thoát nghèo, ổn định cuộc sống, đầu tư giáo dục cho con cái... Thực tiễn cho thấy, chăm lo hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm, đảm bảo sinh kế bền vững cho phụ nữ là giải pháp thiết thực để xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Nhận diện đúng giá trị kinh tế sẽ vừa khuyến khích phát triển kinh tế gia đình, vừa tránh những biểu hiện lệch lạc, thực dụng, vật chất hoá các mối quan hệ trong gia đình.

Như vậy, tiêu chí gia đình no ấm trong giai đoạn tới có cần phải nâng tầm theo sự gia tăng mức sống, thu nhập của người dân để hướng tới gia đình sung túc, thịnh vượng thời gian tới hay không? Hội cần tập trung nội dung, cách thức như thế nào trong hỗ trợ hội viên, phụ nữ?

Bốn là, yếu tố bình đẳng, tiến bộ trong gia đình hiện đại cần được thấm sâu trong gia đình Việt Nam

Tiến bộ trong gia đình thể hiện chủ yếu qua các mối quan hệ trong gia đình, giáo dục gia đình và thực hiện bình đẳng giới. Phát huy giáo dục gia đình, đề cao giá trị yêu thương, chia sẻ, bình đẳng trong hôn nhân là rất cần thiết, tạo nền tảng xây dựng hệ giá trị con người thời đại mới.

Tuy nhiên, bất bình đẳng giới và định kiến giới trong các quan hệ gia đình và xã hội vẫn còn tồn tại, dai dẳng. Các số liệu điều tra, nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ định kiến giới ở nước ta hiện nay vẫn còn rất nặng nề, đến từ chính người phụ nữ, chẳng hạn như: 30% phụ nữ tin rằng nam giới phải là người ra quyết định và là chủ gia đình; 52% phụ nữ đồng tình và chấp nhận bị chồng đánh nếu không làm đúng việc của người vợ; 62.9% phụ nữ đã từng trải qua một hình thức bạo lực trong đời; 49.6% phụ nữ bị bạo lực không kể với bất kỳ ai về việc bị chồng đánh.  Số liệu thống kê cũng cho thấy thời gian làm việc nhà của phụ nữ cao gấp 2,1 lần so với nam giới, trong khi thời gian làm việc xã hội gần như nhau.

Được đánh giá là một trong những tổ chức đi đầu trong thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam đã kiên trì vận động gia đình và xã hội thực hiện bình đẳng giới; tập trung tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để các yếu tố bình đẳng, tiến bộ được thấm sâu trong gia đình Việt Nam. Làm thế nào để nâng cao nhận thức xã hội, các thành viên gia đình về nội dung này? Trong thời gian tới, Hội cần những giải pháp, sáng kiến gì để tiếp tục hỗ trợ phụ nữ vượt qua các định kiến xã hội, hướng phụ nữ tới những giá trị tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, đóng góp ngày càng nhiều trên các lĩnh vực của đời sống xã hội?

Ngoài các nội dung nêu trên, chúng tôi chắc chắn rằng còn rất nhiều vấn đề khác mà các quý vị đại biểu, các chuyên gia từ các lĩnh vực của mình có thể gợi ý thêm, định vị những giá trị cốt lõi, quan trọng, phù hợp để Hội tập trung tuyên truyền, hỗ trợ, vận động phụ nữ thực hiện trong thời gian tới.

Đề nghị Hội thảo tăng cường phần thảo luận để có thể nghe được nhiều ý kiến từ các đại biểu.

Một lần nữa, thay mặt Hội LHPN Việt Nam, tôi xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, quý vị đại biểu đã tham dự hội thảo. Trân trọng cảm ơn đ/c Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã luôn đồng hành cùng Hội trong các hoạt động nghiên cứu khoa học liên quan đến phụ nữ, gia đình và bình đẳng giới.

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam - 28/6, xin trân trọng kính chúc quý vị đại biểu cùng gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công và gặp nhiều may mắn.

Chúc hội thảo thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cám ơn!

Theo: http://hoilhpn.org.vn/