Giám sát thực hiện Nghị quyết 68 hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội LHPN

hlhpn.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]
Sáng 26/8/2021, Hội LHPN Việt Nam tổ chức tập huấn trực tuyến hướng dẫn giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP (NQ68) ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và hướng dẫn tổ chức Đại hội đại biểu phụ nữ trong điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho Hội LHPN 63 đơn vị tỉnh, thành và các đơn vị Hội trực thuộc.
26_Aug_2021_043722_GMT2021-08-26_(2).png (432 KB)
Phó Chủ tịch Hội Bùi Thị Hòa (phải ảnh) và Phó Chủ tịch Trần Thị Hương (trái ảnh) chủ trì hội nghị tập huấn

Phó Chủ tịch Hội Bùi Thị Hòa và Phó Chủ tịch Trần Thị Hương chủ trì hội nghị.Tại chương trình tập huấn, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa trực tiếp truyền đạt chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP (NQ68) ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch Hội cho biết, Thường trực Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đã xác định, nhiệm vụ giám sát là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Hội trong năm 2021 và 2022. Trong đó, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ là một trong những nội dung hết sức quan trọng.

Theo đó, trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, gây ra những ảnh hưởng nặng nề như hiện nay thì NQ 68 đã khẳng định tính ưu việt, thời sự, thiết thực, thể hiện cụ thể ở trong số 12 nhóm chính sách hỗ trợ thì có 7 chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các đối tượng; mở rộng nhóm đối tượng được hỗ trợ so với gói hỗ trợ trước, trong đó có nhóm đối tượng lao động phi chính thức, lao động không có giao kết hợp đồng. Đặc biệt là nhóm phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 6 tuổi nhận được sự quan tâm hơn (được hỗ trợ bổ sung 1 triệu đồng ngoài các khoản hỗ trợ chung). Bên cạnh đó, việc triển khai gói hỗ trợ này đơn giản hơn, giảm 2/3 về thủ tục và thời gian so với gói hỗ trợ theo NQ42, do đó đã khắc phục được nhiều hạn chế so với việc triển khai NQ42 trước.

Chính vì vậy, vai trò của tổ chức Hội trong giám sát việc triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo NQ68 lần này mang ý nghĩa rất quan trọng. Công tác giám sát cần đạt được các mục đích, yêu cầu: Thông qua giám sát nhằm đảm bảo chính sách được triển khai kịp thời, đúng quy định, đúng đối tượng, sao cho các đối tượng được hưởng hỗ trợ nhanh nhất; Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, mong muốn chính đáng của hội viên, phụ nữ ở địa bàn cơ sở, phát hiện cả mặt được và chưa được của chính sách, những bất cập trong quá trình thực hiện để có thể chấn chỉnh kịp thời. Đặc biệt chú ý mặt tốt, mặt tích cực của chính sách; phát hiện, biểu dương kịp thời những hành động tốt, cao đẹp của các cấp, các ngành, các lực lượng trong tham gia phòng, chống dịch bệnh. Việc tổ chức giám phải linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo thực chất, hiệu quả. Việc giám sát được tổ chức thực hiện theo từng cấp Hội, từng địa bàn, đảm bảo an toàn đúng quy định về phòng, chống dịch.

Nội dung các chính sách đang phân công cho Hội chủ trì giám sát gồm: Hỗ trợ người điều trị, nhóm phụ nữ mang thai, trẻ em F0, F1 đang thực hiện cách ly y tế, trong đó phụ nữ mang thai và trẻ em thực hiện cách ly sẽ được hưởng thêm 1 triệu (thời gian thực hiện từ 27/4 đến 31/12/2021). Nhóm hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên được hỗ trợ 3 triệu đồng (thời gian từ 01/5-31/12/2021).

Để làm tốt công tác giám sát, cần phát huy vai trò của thành viên Hội LHPN tham gia Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 cùng cấp. Hình thức giám sát cụ thể như: nghiên cứu báo cáo, tiếp nhận ý kiến của hội viên, phụ nữ, đối tượng thụ hưởng chính sách, tiếp thu ý kiến trực tiếp từ người dân để phát hiện những bất cập trong quá trình triển khai thực tế.  Tổ chức giám sát trực tiếp hoặc trực tuyến tùy theo tình hình điều kiện ở từng nơi.

2021-08-26 (10).png (115 KB)

Công tác giám sát cần tuân thủ quy trình về các bước: xây dựng kế hoạch giám sát; tổ chức giám sát; báo cáo kết quả giám sát; theo dõi giải quyết kiến nghị. 

Các cấp Hội chủ động lựa chọn đối tượng, địa bàn một cách linh hoạt, phù hợp, bảo đảm thực chất, hiệu quả, phát huy vai trò của các tổ, nhóm, các mô hình tham gia phòng, chống dịch của Hội tại cơ sở để qua quá trình thực thi các nhiệm vụ nắm bắt các thông tin đối với thực hiện chính sách, đặc biệt là nắm bắt tâm tư, tình hình của đối tượng thụ hưởng chính sách.

Việc thực hiện giám sát được tổ chức thành 5 đợt nhằm phát hiện các đối tượng nằm trong đối tượng mà chưa được thụ hưởng; đề xuất thêm các đối tượng cần được hỗ trợ nhưng lại không thuộc đối tượng trong chính sách…

Thực tế hiện nay cho thấy, có nhiều trẻ em đang ở sống trong gia đình mà người lớn đang đi cách ly hoặc qua đời do covid-19, hoặc có những em là F1,F0 đang phải đi thực hiện cách ly không có người thân bên cạnh, tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em trong thời gian dịch bệnh… cũng đang đặt ra những vấn đề cần được Hội nghiên cứu, đề xuất chính sách mới đáp ứng thực tiễn.

Hội LHPN các tỉnh thành cần có hướng dẫn cụ thể cho cấp huyện, cấp cơ sở để đợt triển khai được thống nhất từ TW đến địa phương; chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin báo cáo. Hội Phụ nữ cấp xã thực hiện trực tiếp giám sát ở địa trên địa bàn: số lượng trẻ em được thụ hưởng chính sách; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ; vận động hội viên phụ nữ tham gia phản ảnh thực tế thực hiện chi trả chính sách, phát hiện những vấn đề phát sinh trong chi trả hỗ trợ thực tế tại địa phương; chủ động gặp gỡ xem các đối tượng được thụ hưởng đã được hưởng chưa, hưởng như thế nào, có kịp thời không, có thuận lợi không, gặp khó khăn gì…

Bên cạnh 2 chính sách do Hội chủ trì giám sát, Hội LHPN Việt Nam còn tham gia giám sát cùng MTTQ và các tổ chức khác 10 chính sách khác, Phó Chủ tịch Hội Bùi Thị Hòa đề nghị Hội LHPN các tỉnh, thành tham gia trách nhiệm, nghiêm túc, phát huy vai trò của tổ chức, đặc biệt đối với vấn đề về giới trong các chính sách để từ đó có những ý kiến, đề xuất chất lượng về những vấn đề phụ nữ, trẻ em và gia đình.

Theo: http://hoilhpn.org.vn/