Chính sách của Nhà nước trong phòng, chống bạo lực gia đình

hlhpn.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ sáu, 22/11/2024 ]

* Câu hỏi:

Chính sách chung của Nhà nước đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình và các chính sách để khuyến khích, huy động được lực lượng các tổ chức, cá nhân tham gia một cách tích cực, hiệu quả vào hoạt động này?

                                                                                                                                                                    (Câu hỏi của bạn Lê Thị Kiều Mai)

* Trả lời:

          Chính sách cũng như các biện pháp được Nhà nước xác định trong phòng, chống bạo lực gia đình đã thể hiện rõ tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua năm 2007. Nội dung tập trung trên các mặt hoạt động, là nguyên tắc trong phòng, chống bạo lực gia đình, bao gồm: a) Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hoà giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; b) Hành vi bạo lực gia đình được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật; c) Nạn nhân bạo lực gia đình được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ; d) Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình.

          Chính sách cụ thể được xác định: Bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình hàng năm; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, tài trợ cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; phát triển các mô hình phòng ngừa bạo lực gia đình và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; hỗ trợ việc bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích việc nghiên cứu, sáng tác văn học, nghệ thuật về phòng, chống bạo lực gia đình; người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình mà có thành tích thì được khen thưởng, nếu bị thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng và tài sản thì được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.

          Tại Nghị định số 08/2009/NĐ-CP Chính phủ có các quy định để khuyến khích các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình như: Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình hoặc các mô hình khác về phòng ngừa bạo lực gia đình và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình ngoài công lập được thành lập và có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa như đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường theo quy định hiện hành. Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, sáng tác, công bố, phổ biến đối với những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị và chất lượng cao về phòng, chống bạo lực gia đình.

          Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập được Nhà nước hỗ trợ kinh phí trong trường hợp cơ sở được thành lập tại địa bàn có nhiều nạn nhân bạo lực gia đình theo xác định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ sở được thành lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc hỗ trợ kinh phí cho cơ sở được thực hiện theo kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình do Ủy ban nhân dân các cấp lập và mức hỗ trợ được xác định căn cứ vào quy mô, hiệu quả hoạt động của cơ sở, số nạn nhân bạo lực gia đình được trợ giúp hàng năm.

                                                                             Luật sư Nguyễn Thiện Hùng