Cảnh giác tội phạm công nghệ cao

hlhpn.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 07/11/2024 ]
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền cảnh báo phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm công nghệ cao, nhưng trong thực tế vẫn có nhiều người sập bẫy. Vì thế, khi gặp những tình huống tương tự, người dân cần cảnh giác báo ngay cho cơ quan công an để không bị lừa đảo.

Ngăn chặn một vụ lừa đảo

Ông Nguyễn Lưu Minh - Giám đốc Ngân hàng TMCP Bản Việt Chi nhánh Nha Trang cho biết, nhờ sự cảnh giác, tận tâm của nhân viên nên mới đây, ngân hàng đã hỗ trợ khách hàng ngăn chặn thành công một vụ lừa đảo chuyển tiền qua ngân hàng.

Trước đó, sáng 24-10, bà T. (phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang) đến ngân hàng yêu cầu tất toán 4 sổ tiết kiệm trước hạn với tổng trị giá 720 triệu đồng. Đây là khách hàng thường xuyên của ngân hàng, có đặc điểm không bao giờ tất toán trước hạn. Trong quá trình giao dịch, kiểm soát viên, thủ quỹ tại Phòng Dịch vụ khách hàng của ngân hàng quan sát thấy khách hàng giao dịch trong trạng thái hốt hoảng, hoang mang, lo sợ và lần này khách hàng tất toán giữa kỳ khác hẳn thói quen tất toán cuối kỳ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ khéo léo dò hỏi thông tin qua trao đổi với khách hàng, nhân viên ngân hàng nhận thấy dấu hiệu bất thường nên đã tìm cách trì hoãn giao dịch và gọi điện cho người thân của khách hàng để xác minh giao dịch và động viên khách hàng. Đến đầu giờ chiều, nhận thấy đây là hành vi lừa đảo nên khách hàng đã không chuyển tiền. Khách hàng T. xác nhận là bị 1 đối tượng xưng là cán bộ công an thuộc Bộ Công an thông báo khách hàng có liên quan đến đường dây ma túy và yêu cầu phải chuyển toàn bộ số tiền có trong ngân hàng vào tài khoản chỉ định sẵn và không được nói cho người nhà biết nếu không sẽ bị giết. Vì thế, khách hàng đã đến ngân hàng để chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng.

canh-giac-toi-pham-cong-nghe-cao.jpg (91 KB)
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Bán Việt Chi nhánh Nha Trang

Qua vụ việc, ông Nguyễn Lưu Minh khuyến cáo, khách hàng nhận được cuộc gọi không rõ nguồn gốc yêu cầu chuyển tiền cần cảnh giác với hành vi lừa đảo để tránh thiệt hại; đồng thời, thông tin và phối hợp với ngân hàng, cơ quan công an để điều tra, xác minh.

Người dân vẫn sập bẫy

Trong năm 2018, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng tiếp tục gia tăng. Điển hình như vụ ngày 11-10, ông Trần Văn A. (thị xã Ninh Hòa) bị một nhóm đối tượng gọi điện thoại giả danh (tự xưng nhân viên ngân hàng, ở Bộ Công an, Viện Kiểm sát) để lừa đảo. Đối tượng yêu cầu ông A. đến một ngân hàng trên địa bàn thị xã Ninh Hòa mở tài khoản đứng tên ông A. rồi chuyển 1,5 tỷ đồng vào tài khoản này. Sau khi có các thông tin tài khoản (số tài khoản, mật khẩu, mã OTP) do ông A. cung cấp, đối tượng đã đăng nhập tài khoản, thay đổi mật khẩu, số điện thoại nhận SMS banking và rút số tiền 1,5 tỷ đồng chiếm đoạt.

Theo Thiếu tá Lương Lê Vân - Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh, so với năm 2017, tội phạm sử dụng thiết bị

Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh, các thủ đoạn lừa đảo tăng, trong đó thủ đoạn giả danh lừa đảo qua điện thoại xảy ra nhiều, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Năm 2016, xảy ra 21 vụ, gần 3,5 tỷ đồng; năm 2017, xảy ra 3 vụ, 790 triệu đồng; năm 2018, 6 vụ, hơn 3,9 tỷ đồng.

sao chép dữ liệu (gọi tắt là thiết bị skimming) có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo người bị hại để chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng với các thủ đoạn gọi điện thoại giả danh cơ quan công quyền như: công an, viện kiểm sát, tòa án, hoặc nhân viên thu cước điện thoại đe dọa yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt; thủ đoạn kết bạn, làm quen qua facebook, hứa hẹn tặng quà có giá trị cao, dẫn dụ chuyển tiền phí, lệ phí xác nhận với Hải quan để nhận quà tặng; thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng như: số tài khoản, mật khẩu, OTP…; sau đó sử dụng các thông tin này chiếm đoạt tiền trong tài khoản bằng các giao dịch điện tử… Những phương thức thủ đoạn trên không mới, tuy đã được thông tin, tuyên truyền cảnh báo nhiều nhưng vẫn tiếp tục xảy ra. Tuy nhiên, đối tượng tinh vi hơn khi dẫn dụ, yêu cầu người bị hại mở tài khoản ngân hàng có đăng ký dịch vụ Internet banking sau đó nộp tiền vào tài khoản rồi cung cấp toàn bộ thông tin tài khoản, mật khẩu và mã OTP theo yêu cầu của đối tượng. Đây là cách thức đánh vào sự thiếu hiểu biết của khách hàng, mặt khác, tạo lòng tin cho khách hàng là tiền vẫn nằm trong tài khoản của khách hàng, vẫn thuộc sự quản lý, kiểm soát của chủ tài khoản. Tuy nhiên, thực tế sau khi có thông tin tài khoản do khách hàng cung cấp, đối tượng đã đăng nhập tài khoản thay đổi mật khẩu, thay đổi số điện thoại nhận dịch vụ SMS banking và thực hiện thao tác rút tiền. Việc đối tượng sử dụng chính tài khoản của khách hàng để rút tiền, chiếm đoạt cũng là một thủ đoạn nhằm che giấu dấu vết thực hiện hành vi phạm tội, gây khó khăn cho công tác điều tra, đấu tranh đối với loại tội phạm này.

Ngoài ra, với công tác quản lý ngày càng thắt chặt về thuê bao di động trả trước của các doanh nghiệp viễn thông theo Nghị định 49 ngày 24-4-2017 của Chính phủ, đối tượng có khuynh hướng sử dụng dịch vụ gọi điện thoại theo phương thức VOIP (gọi trên mạng Internet) nên việc truy nguyên dấu vết điện tử qua số điện thoại không thể thực hiện được, đây là thách thức đối với công tác điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Theo ông Ngô Quý Tài - Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Khánh Hòa, việc lừa đảo khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông hoặc bưu điện tái diễn nhiều với kịch bản giống nhau như: gọi tới khách hàng thông báo có gói bưu kiện vướng thủ tục hay thông tin nợ cước rồi yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, nhấn số 0 hoặc số 9 sẽ tới một đầu mối trực sẵn và tiếp tục kịch bản liên quan đến cơ quan chức năng, sau đó yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản. Vì thế, trong mọi trường hợp, khách hàng không thực hiện theo yêu cầu của các đầu mối trực sẵn, không cung cấp thông tin cá nhân. Để kiểm chứng, khách hàng nên liên hệ số điện thoại được cung cấp qua các phương tiện giao dịch của VNPT, đường dây nóng hoặc trực tiếp đến điểm giao dịch.

 Theo Báo Khánh Hòa