Công tác quản lý lễ hội 2018 - Điểm mới trong công tác chỉ đạo, quản lý bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ hội

hlhpn.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]
  1. Thực trạng hoạt động lễ hội ở nước ta hiện nay

1.1 Những năm qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Phần lớn các lễ hội đều được diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng, an toàn, tiết kiệm, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

1.2. Trong những năm gần đây, với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích phục dựng những giá trị văn hóa truyền thống, thì một số lễ hội truyền thống đã được phục hồi, góp phần phát huy giá trị văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Thông qua việc tổ chức các lễ hội dân gian đã góp phần tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, quảng bá danh lam thắng cảnh của địa phương, nhiều nghề truyền thống được khôi phục. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa hoạt động lễ hội đã huy động được nhiều nguồn lực tham gia. Nguồn kinh phí thu được qua các nguồn thu công đức, lệ phí, hoạt động dịch vụ đã được sử dụng để tái tu bổ, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội và phúc lợi công cộng, cụ thể:

- Các loại hình lễ hội:

+ Lễ hội truyền thống có quy mô lớn như lễ hội chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương), Lễ hội Phủ Dày (Nam Định), Lễ hội bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh)... được đầu tư tổ chức công phu, kết hợp hài hòa giữa yếu tố thiêng của lễ và không khí tưng bừng của phần hội với các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống và hiện đại. Đặc biệt, nhiều lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được quan tâm khôi phục và tổ chức như lễ hội Lồng Tồng (dân tộc Tày, Nùng), Lễ hội Cầu mùa (dân tộc Khơ Mú); Lễ hội Gầu Tào dân tộc H’Mông; Lễ hội Hoa Ban dân tộc Thái; Lễ hội mừng lúa mới, lễ mừng nước giọt, lễ lập làng... của các dân tộc Ba Na, Xê Đăng, Giẻ-Triêng; Lễ hội Chol Thnăm Thmây của đồng bào Khơ me thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang...

+ Lễ hội lịch sử cách mạng, tiêu biểu có thể kể đến một số lễ hội như: Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Hàm Rồng (Thanh Hóa), Lễ hội Làng Sen (Nghệ An), Lễ hội Thống nhất non sông, Lễ hội thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị)... Thông qua việc tổ chức lễ hội đã góp phần hình thành nếp nghĩ, nếp sống có văn hóa, vừa xây dựng những tập quán mới phù hợp, vừa  tưởng nhớ danh nhân, anh hùng liệt sỹ, những người có công với nước…

+ Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài do người nước ngoài đang cư trú và sinh sống hợp pháp ở Việt Nam tổ chức nhằm kỷ niệm các sự kiện về chính trị, văn hoá, phong tục của đất nước họ nhưng không trái với pháp luật và thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Các hoạt động lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam rất đa dạng, có ảnh hưởng và thu hút người Việt Nam đặc biệt là lực lượng thanh niên như: “Ngày tình yêu” (Valentine’s Day) được tổ chức vào ngày 14-2 hàng năm. Lễ hội này đã được tổ chức ở nhiều nơi trong thành phố, không có phần lễ nghi và nghi thức cụ thể, chủ yếu là các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh cho các cặp vợ chồng, các cặp tình nhân chủ yếu là giới trẻ, với các nét sinh hoạt văn hoá ảnh hưởng theo tập quán phương tây. Lễ hội Haloween (lễ hội hoá trang) thường không được phổ biến mà chỉ được tổ chức dưới hình thức nhỏ, hẹp, phạm vi nội bộ một số công dân của cộng đồng nước ngoài. Lễ hội này tổ chức dưới hình thức dạ tiệc kết hợp với các trò vui chơi, ảo thuật... không khí vui vẻ lành mạnh đáp ứng được nhu cầu của du khách nước ngoài và không mang tính quảng bá rộng rãi trong công chứng. Ngoài ra còn có Lễ hội Loy Krathông (Lễ hội thả hoa đăng của Thái Lan), lễ hội Diwali (hay còn gọi là lễ ánh sáng - Festival light) là lễ hội truyền thống lớn nhất của Ấn Độ du nhập vào Việt Nam, Lễ hội hoa Anh Đào (Nhật Bản).

Ngoài các lễ hội trên tuỳ vào điều kiện, các Lãnh sự quán nước ngoài đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đại sứ quán nước ngoài đóng tại Thủ đô Hà Nội còn tổ chức lễ hội mừng ngày Quốc khánh của Quốc gia họ với sự tham gia của kiều bào của quốc gia đó như các nước: Cu Ba, Ấn Độ, Úc, Anh, Pháp, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan, Nhật Bản… Chương trình thường có phần hội với phần biểu diễn giao lưu nghệ thuật đặc sắc mang đậm nét văn hoá của quốc gia đó. Hoạt động này đã làm đa dạng thêm các hoạt động lễ hội của Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội nói riêng và bổ sung làm phong phú các loại hình lễ hội tại Việt Nam, góp phần làm nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân và công dân quốc tế đang sống tại Việt Nam. Sự phát triển đa dạng về loại hình cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác quản lý Nhà nước.

+ Lễ hội Văn hóa, thể thao và du lịch, loại hình đang có chiều hướng phát triển nhanh ở nhiều địa phương như các Festival, Liên hoan văn hóa - du lịch,

Tuần văn hóa - du lịch, Tuần văn hóa - du lịch - thương mại, Tuần văn hóa du lịch biển... Những lễ hội thuộc loại hình này được tổ chức nhằm quảng bá, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tiếp thị sản phẩm du lịch trong nước và quốc tế… Những năm gần đây đã có nhiều festival, lễ hội và tuần văn hóa du lịch có quy mô lớn được tổ chức ở nhiều tỉnh,thành, Tiêu biểu như Festival Trà Thái Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival diều quốc tế Vũng Tàu, Carnaval Hạ Long, Festival Huế, Lễ hội Cà phê Buôn Mê Thuột, Festival Huế...

cong-tac-quan-ly-le-hoi-2018-diem-moi-trong-cong-tac-chi-dao-quan-ly-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-tot-dep-cua-le-hoi.jpg (48 KB)
Lễ hội cầu ngư ở Khánh Hòa-Lễ rước Ông Nam Hải

  1. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội

2.1. Ở Trung ương

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đồng thời quán triệt Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội; tăng cường công tác quản lý tổ chức lễ hội.

Nhìn chung, việc tham mưu, xây dựng và ban hành văn bản đã đáp ứng kịp thời công tác quản lý và tổ chức lễ hội, nội dung các văn bản đã điều chỉnh các vấn đề hạn chế từ mùa lễ hội trước như: công tác an ninh trật tự; các hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội; đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng quy định, khấn thuê, chèo kéo khách, rút quẻ thẻ... tăng cường công tác thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng được quan tâm, cụ thể: Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Văn hóa cơ sở thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 đảm bảo cho các lễ hội được diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh; giám sát, nhắc nhở và yêu cầu các địa phương, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện phản cảm, lộn xộn; những sai phạm bị xử lý phải kịp thời báo cáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có những chỉ đạo, giải pháp.

Đối với một số lễ hội còn duy trì các tập tục không còn phù hợp được cộng đồng xã hội quan tâm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị chức năng đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập tục, chủ động làm việc với cơ sở và có những chỉ đạo kịp thời để điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Những lễ hội, hội không có cơ sở để khẳng định là lễ hội dân gian truyền thống; có nội dung kích động bạo lực, phản cảm như “chọi trâu”…, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22

tháng 12 năm 2015 của Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức lễ hội. Đồng thời có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định của nhà nước về tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đối với những lễ hội, hội chọi trâu truyền thống khi tổ chức phải trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của di sản văn hóa, trọng tâm là các nghi lễ truyền thống tại địa phương, đảm bảo tính trang trọng, đúng với giá trị di sản, ý nghĩa của lễ hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh lành mạnh trong nhân dân, hướng tới việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tạo những hình ảnh đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế; tăng cường quản lý và chấn chỉnh công tác tổ chức các lễ hội, hội chọi trâu; tích cực phối hợp quản lý và tổ chức lễ hội.

Công tác phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các ban, bộ, ngành trung ương cũng được chú trọng triển khai và có hiệu quả, cụ thể: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành liên quan trong việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc quản lý và sử dụng đồng tiền Việt Nam mệnh giá nhỏ tại các di tích, lễ hội đạt hiệu quả; Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải... tham mưu xây dựng các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kịp thời định hướng, chỉ đạo các cơ quan truyền thông đưa tin kịp thời phản ánh những mặt được và chưa được trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

2.2. Tại các địa phương

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nâng cao vai trò quản lý nhà nước về hoạt động tổ chức lễ hội, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức lễ hội, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý, tổ chức lễ hội. Hướng dẫn Ban Tổ chức các lễ hội, Ban Quản lý các di tích, các chức sắc tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và lễ hội; Không tiếp nhận và đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành; bố trí hợp lý nơi thắp hương, hóa mã và các giải pháp phòng, chống cháy nổ; Hướng dẫn khách tham 

quan và người hành lễ thực hiện đặt lễ, đặt tiền giọt dầu, tiền công đức đúng nơi quy định; đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi những tập tục mang yếu tố bạo lực, phản cảm không phù hợp với đời sống xã hội hiện nay, đảm bảo mùa lễ hội diễn ra an toàn, hiệu quả, văn minh.

Các quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đôn đốc thực hiện Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22 tháng 12 năm 2015 quy định về tổ chức lễ hội, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về quản lý và tổ chức lễ hội; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức lễ hội ở cơ sở; xây dựng nội dung, chương trình, lựa chọn quy mô, cách thức tổ chức lễ hội lành mạnh, thiết thực, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phù hợp với phong tục, tập quán; đẩy mạnh huy động xã hội hóa các nguồn lực, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức lễ hội đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Các địa phương đã thành lập Ban tổ chức lễ hội với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị xã hội để trực tiếp quản lý các hoạt động trong thời gian lễ hội diễn ra; chủ động xây dựng kế hoạch và chương trình lễ hội để phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Tổ chức; thông qua tổ chức lễ hội, hệ thống di tích, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích thực hiện tốt. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ hai không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội và giới hạn khu vực chơi đảm bảo cho hoạt động lễ hội diễn ra an toàn; lễ hội Cầu Trâu xã Hương Nha (Phú Thọ) đã không tổ chức nghi thức đập đầu trâu mà thay bằng nghi thức thực hành trình diễn; lễ hội Đông Cuông (xã Thanh Khương, Văn Yên, Yên Bái) bỏ tục treo cổ trâu; 90 làng Cơ Tu huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam bỏ tục đâm Trâu.

Một số hạn chế

- Còn có những lễ hội chỉ chú trọng đầu tư đến hình thức, quy mô mà chưa đảm bảo về nội dung. Một số lễ hội còn duy trì tập tục chứa đựng những yếu tố bạo lực, chưa phù hợp với xu thế của thời đại.

- Tình trạng bạo lực, phản cảm ở không ít các lễ hội vẫn còn diễn ra.

- Xu hướng tự nâng cấp, đặt tên lễ hội thành lễ hội quốc gia, lễ hội quốc tế, thương mại hóa trục lợi cá nhân, làm giảm đi tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hóa trong hoạt động lễ hội.

- Một số di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích.

- Công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, hàng quán kinh doanh có nơi còn lộn xộn ở nhiều lễ hội.

- Một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính, sử dụng xe công đi lễ hội.

Nguyên nhân của những hạn chế

- Việc cấp phép tổ chức lễ hội ở một số địa phương chưa có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, dẫn đến một số lễ hội không phải truyền thống của địa phương nhưng vẫn tổ chức, vì vậy không phát huy được giá trị văn hóa truyền thống.

- Trách nhiệm của các thành viên Ban Tổ chức một số lễ hội chưa cao, sự phối hợp giữa các tiểu ban chưa chặt chẽ, chưa kịp thời giải quyết những phát sinh tiêu cực trong lễ hội.

- Vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương một số nơi chưa thực sự được phát huy, chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của lễ hội trong đời sống văn hóa cộng đồng.

- Trình độ nghiệp vụ của cán bộ chưa cao, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền để xử lý những vấn đề mới phát sinh trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

- Công tác tuyên truyền giới thiệu về ý nghĩa, giá trị của di tích, lễ hội chưa phong phú, hiệu quả chưa cao.

- Một số di tích chưa có phương án, cũng như việc bố trí được các công trình phụ trợ, khu vệ sinh hợp lý để phục vụ du khách; hàng quán dịch vụ chưa được sắp xếp khoa học.

- Do không gian di tích, lễ hội chật hẹp, số người tham gia lễ hội ngày càng đông, đây là nguyên nhân chính gây nên tình trạng quá tải ở một số điểm di tích, khu danh thắng, nơi tổ chức lễ hội.

  1. Điểm mới trong công tác chỉ đạo, quản lý nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ hội

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội cần tập trung vào các giải pháp sau:

Một là: Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05 tháng 02 năm 2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2018; Chỉ thị số 48/CT-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2017 của Thủ tuớng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật

tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20 tháng 2 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Thông tư số 15/TT-BVHTTDL ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức lễ hội và các văn bản chỉ đạo khác liên quan.

Hai là: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội được thống nhất thực hiện; đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Thứ ba: Phân loại, phân cấp và giao trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội cho các Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, cụ thể:

- Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về lễ hội truyền thống; lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có quy mô cấp tỉnh, còn Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý lễ hội tại địa phương, có giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm giảm được những vấn đề hạn chế tại của hoạt động lễ hội tại địa phương.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lễ hội trong phạm vi cả nước, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phối hợp thực hiện quản lý hoạt động lễ hội theo chức năng, thẩm quyền được phân công.

Thứ tư: Thay đổi phương thức quản lý nhà nước, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với các loại hình lễ hội (đăng ký hoặc thông báo), cụ thể:

- Lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài có quy mô cấp quốc gia được tổ chức lần đầu thì phải đăng ký với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi tổ chức.

- Lễ hội truyền thống được khôi phục sau nhiều năm gián đoạn thì phải đăng ký với UBND cấp tỉnh trước khi tổ chức lễ hội

- Còn các hình thức lễ hội tổ chức định kỳ thì phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền trước khi tổ chức lễ hội.

Thứ 5. Cần Quy định rõ  trách nhiệm của Ban tổ chức Lễ hội, cụ thể như:

- Phải có Quy chế làm việc và phân công trách nhiệm của các thành viên Ban tổ chức lễ hội

- Phải có nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

- Phải có hệ thống loa phát thanh, bảng phổ biến nội quy, biển hướng dẫn và các hình thức tuyên truyền khác để tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội;

- Xây dựng và triển khai phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ.

- Quy định khu vực vui chơi giải trí và các hoạt động dịch vụ 

- Quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai minh bạch, đúng mục đích.

 Thứ 6. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội

  Bên cạnh các quyền như đến với lễ hội để thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với bậc tiền nhân, nhân vật phụng thờ, tôn trọng những giá trị đạo đức văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng;

- Thể hiện mong muốn điều tốt đẹp, may mắn đến với cá nhân, gia đình, quê hương và đất nước; Được giao lưu, sinh hoạt văn hóa và hưởng thụ những giá trị văn hóa tinh thần thì người tham gia lễ hội cũng phải thực hiện trách nhiệm như:

- Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

- Ứng xử có văn hoá trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không được có những hành vi, lới nói xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội; giữ gìn vệ sinh, an ninh trật tự; bảo vệ cảnh quan, môi trường.

 Thứ 7. Kiểm tra, thanh tra và quy định các biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội, cụ thể có những quy định về trường hợp phải tạm ngừng lễ hội, như:

 - Lợi dụng việc tổ chức lễ hội để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Tổ chức lễ hội sai lệch nội dung giá trị di sản văn hóa của lễ hội;

- Tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, cháy nổ, làm chết người….

 Bên cạnh đó cũng nên có quy định tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật không chỉ bị kỷ luật, xử phạt hành chính mà trong trường hợp đặc biệt thì người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ 8, xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án phục dựng bảo vệ các loại hình lễ hội truyền thống nhằm tạo ra các giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, đáp ứng đời sống tinh thần cho nhân dân.

Để hoạt động lễ hội luôn phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế -xã hội của đất nước trong năm 2018 và các năm tiếp theo phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành; các biện pháp đột phá, thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước và sự tuân thủ luật pháp, cộng đồng trách nhiệm và ý thức của người tham gia lễ hội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, địa phương để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý nhà nước về lễ hội./.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch