Một số điểm mới cơ bản của hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội triển khai thực hiện trong năm 2018; một số nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với hệ thống chính trị nhằm thực hiện mục tiêu “bảo hiểm xã hội cho người lao động”

hlhpn.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ sáu, 22/11/2024 ]

       I. NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BHXH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TRONG NĂM 2018

Mở rộng đối tượng tham gia

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

- Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

2. Thay đổi cách xác định tiền lương tháng đóng BHXH đối với người thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định

- Khoản 2 Điều 89 Luật BHXH năm 2014 quy định “Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động”.

- Khoản 3 Điều 30 Thông tư số 59/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của BLĐTBXH quy định các khoản bổ sung khác thực hiện theo điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, gồm: Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương. Như vậy, các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động (điểm b khoản 3 Điều 4) không là căn cứ để đóng BHXH.

      3. Thay đổi cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu

- Đối với người hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 trở đi:

- Đối với nam giới: Tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, thu nhập tháng cho 16 năm đóng BHXH nếu nghỉ hưu vào năm 2018; nghỉ hưu vào năm 2019 là 17 năm; nghỉ hưu vào năm 2020 là 18 năm: nghỉ hưu vào năm 2021 là 19 năm; nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi là 20 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH tính thêm 2% mức bình quân thu nhập tháng, mức tối đa là 75%;

- Đối với nữ giới: Tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho 15 năm đóng BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

        4. Bắt đầu thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện

- Từ ngày 01/01/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể:

+ Bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo;

+ Bằng 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo;

+ Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Ví dụ: Mức chuẩn hộ nghèo hiện nay là 700.000 đồng/tháng và mức đóng 22% hàng tháng trên chuẩn nghèo là 154.000đ. Như vậy, mức hỗ trợ 30% sẽ bằng: 154.000 x 30% = 46.200đ; mức hỗ trợ 25% là 38.500đ; mức hỗ trợ 10% là 15.400đ.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp.

- Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

       5. Điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đã đóng BHXH theo chỉ số giá tiêu dùng đối với người thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, người bắt đầu tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 01/01/2016 trở đi và người tham gia BHXH tự nguyện.

- Đối tượng nêu trên hưởng lương hưu, BHXH một lần và trợ cấp tuất một lần từ ngày 01/01/2018 trở đi thì tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH được điều chỉnh theo bảng dưới đây (Thông tư số 32/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 của BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH trong năm 2018):

Năm

Trước

1995

1995

1996

1997

1998

1999

2000

2001

2002

2003

2004

2005

2006

Mức điều chỉnh

4,56

3,87

3,66

3,54

3,29

3,15

3,20

3,21

3,09

3,00

2,78

2,57

2,39

Năm

2007

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

 

Mức điều chỉnh

2,21

1,79

1,68

1,54

1,30

1,19

1,11

1,07

1,06

1,04

1,00

1,00

 

 

        6. Bắt đầu xử lý trách nhiệm hình sự đối với vi phạm pháp luật BHXH theo quy định mới của Bộ luật Hình sự, gồm: Điều 214 (Tội gian lận BHXH, BHTN), Điều 215 (Tội gian lận BHYT) và Điều 216 (Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động).

        II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM ĐẶT RA ĐỐI VỚI HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ NHẰM THỰC HIỆN MỤC TIÊU “BẢO HIỂM XÃ HỘI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG”

       Thách thức lớn nhất đối Hệ thống chính trị hiện nay là mở rộng diện bao phủ BHXH theo như mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra là đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH (tương đương 28 triệu người). Để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

  1. Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách BHXH theo hướng gắn quyền lợi đi đôi với trách nhiệm, từng bước tiệm cận với nguyên tắc đóng - hưởng, mở rộng diện bao phủ BHXH;
  2. Đẩy mạnh công tác truyền thông theo chiều sâu và gắn với công tác phát triển đối tượng;
  3. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện pháp luật BHXH tại tất cả các cấp;
  4. Đối với hệ thống BHXH:

          4.1. Đối với BHXH Việt Nam

- Chủ động nghiên cứu phối hợp với các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách BHXH cho phù hợp với thực tiễn theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng;

- Đẩy nhanh tiến độ liên thông cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu cấp giấy tờ, hồ sơ làm căn cứ hưởng BHXH, BHYT của các cơ sở khám chữa bệnh, Hội đồng giám định y khoa; cơ sở dữ liệu về quản lý dân cư; cơ sở dữ liệu về quản lý lao động, quản lý doanh nghiệp, quản lý thuế, đào tạo nghề, an toàn vệ sinh lao động, giải quyết chế độ BHTN, hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN... tạo điều kiện cho việc loại bỏ các thành phần hồ sơ làm căn cứ hưởng các chế độ BHXH, BHYT.

       4.2. Đối với BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Chủ động tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp tổng thể để đẩy nhanh tiến độ mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT trên địa bàn;

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật BHXH, BHTN, BHYT, trình tự, thủ tục tham gia và thụ hưởng chế độ để người dân, doanh nghiệp thấy rõ lợi ích, trách nhiệm của việc tham gia và thuận lợi trong thực hiện thủ tục BHXH, BHTN, BHYT; chú trọng tuyên truyền những quy định mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2018;

- Chủ động, thường xuyên phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cơ quan đăng ký doanh nghiệp, cơ quan cấp giấy chứng nhận hoạt động, cấp giấy phép hoạt động và cơ quan Thuế trên địa bàn nắm bắt số lượng lao động, biến động lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc để nắm bắt chính xác đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc làm căn cứ cho việc xác định đối tượng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đóng BHXH, BHTN, BHYT;

- Tiếp tục rà soát, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu tham gia BHXH, BHTN, BHYT làm cơ sở cho việc ứng dụng triệt để CNTT trong giải quyết và chi trả chế độ cho người lao động, góp phần đẩy nhanh tiến độ cải cách thủ tục hành chính;

- Chỉ đạo các đại lý thu BHXH, BHYT niêm yết biển hiệu, chỉ dẫn công khai địa chỉ, cách thức thực hiện các thủ tục thu, nộp BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện; bám sát địa bàn để tuyên truyền, vận động người dân tham gia./.

Báo cáo viên: Đỗ Ngọc Thọ, Phó Trưởng ban, Ban Thực hiện chính sách BHXH, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam