Thông cáo số 20, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV

hlhpn.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 07/11/2024 ]

      Ngày 15/11/2018, Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Quốc hội đã: thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, đồng thời biểu quyết thông qua với 91,55 % tổng số đại biểu Quốc hội tán thành;...

\"thong-cao-so-20-ky-hop-thu-6-quoc-hoi-khoa-xiv.jpg
Toàn cảnh phiên họp ngày 15/11/2018 kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIV 

Buổi sáng

Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Trong quá trình thảo luận, đã có 28 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và 01 đại biểu phát biểu tranh luận. Đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với nội dung dự thảo Luật; Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục, nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để phát triển giáo dục phù hợp với các nghị quyết của Đảng, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội còn tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung cụ thể của dự án Luật, như: kết cấu bố cục và một số vấn đề chung của dự thảo luật; vấn đề triết lý giáo dục; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non; vấn đề đầu tư cho giáo dục, chế độ đối với nhà giáo; về học phí, chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập; chính sách học bổng và trợ cấp; chương trình sách giáo khoa; vấn đề thi cử, nhất là thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia; chế độ cử tuyển; vấn đề đổi mới giáo dục, đào tạo; quy định các hành vi người học không được làm; quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm; kiểm định chất lượng giáo dục, chất lượng, phương pháp dạy học; giáo dục đối với người khuyết tật; giáo dục hòa nhập; hệ thống giáo dục quốc dân; phổ cập giáo dục và vấn đề xã hội hóa giáo dục v.v.

Kết thúc phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực giáo dục để hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật này và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Buổi chiều

  1. Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Ngay sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước với 444 đại biểu tán thành, chiếm 91,55 % tổng số đại biểu Quốc hội.
  2. Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Trong quá trình thảo luận, đã có 20 đại biểu phát biểu ý kiến và 03 đại biểu phát biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý thuế và cho rằng, các nội dung sửa đổi đã gắn với tiến trình cải cách hệ thống thuế, hiện đại ngành thuế và tạo điều kiện cho người nộp thuế. Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần rà soát các nội dung để quy định cụ thể ngay trong Luật, hạn chế các điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết; cần làm rõ các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu. Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến về các vấn đề cụ thể như sau: nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước về quản lý thuế; quyền hạn, trách nhiệm và tính hiệu quả của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn; vấn đề quản lý thuế; nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác thuộc Chính phủ trong việc quản lý thuế; thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; quản lý nhà nước về thuế; những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế; nghĩa vụ của người nộp thuế; quyền hạn của cơ quan quản lý thuế; hành vi trốn thuế.v.v.

Kết thúc phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội quan tâm. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trước khi trình ra Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Thứ sáu, ngày 16/11/2018: Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công./.

Theo Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa