Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình gắn với áp dụng tập quán

hlhpn.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]

Câu hỏi:

Xin cho biết những điểm nổi bật trong chính sách của Nhà nước để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình và phát huy, gìn giữ được các tập quán tốt đẹp trong hôn nhân, gia đình?

(Câu hỏi của bạn Bo Bo Thị Thu)

Trả lời:

Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Trách nhiệm cũng như đòi hỏi của Nhà nước trong việc bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình thể hiện trên những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình được ghi nhận tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Đó là: a) Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; b) Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ; c) Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con; d) Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình; đ) Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.

Để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, pháp luật cấm các hành vi:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

Tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình là tập quán trái với những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình. Chính phủ, tại Nghị định số  126/2014/NĐ-CP, đã giao cho các bộ, ngành, UBND các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng, thực hiện các chính sách, biện pháp nhằm tạo điều kiện để người dân thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, xóa bỏ tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình; giáo dục thế hệ trẻ bảo tồn, phát triển ngôn ngữ, chữ viết và phát huy các giá trị văn hóa trong tập quán tốt đẹp của mỗi dân tộc.

Luật sư Nguyễn Thiện Hùng