Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2018
- Hơn 80 triệu chủ thẻ BHYT sẽ hưởng nhiều chính sách mới
Theo Ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN), từ ngày 01/12/2018, nhiều chính sách theo hướng có lợi cho người tham gia thẻ BHYT được quy định trong Nghị định 146/2018/NĐ-CP sẽ có hiệu lực.
Từ 01/12/2018, nhiều chính sách BHYT có hiệu lực
* Về đối tượng tham gia BHYT
Nghị định 146/2018/NĐ-CP bổ sung đối tượng tham gia BHYT, gồm:
Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng: Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg; Thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975; Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng thuộc HGĐ có mức thu nhập bình quân hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở.
* Các trường hợp không phải đóng BHYT nhưng vẫn được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh BHYT:
Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng;
Trẻ em đủ 72 tháng tuổi nhưng sinh trước ngày 30/9 của năm trẻ đủ 72 tháng tuổi;
Trẻ em đủ 72 tháng tuổi sinh sau ngày 30/9 nhưng vào các ngày trong tháng thì thẻ được cấp đến hết tháng sinh.
* Mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước:
Người cận nghèo đang sinh sống tại huyện nghèo: hỗ trợ 100%
Người nghèo đa chiều thiếu hụt BHYT: hỗ trợ 70%
Học sinh sinh viên, người thuộc hộ gia đình NLNDN có mức sống trung bình: Hỗ trợ 30%.
Nhóm tham gia BHYT theo diện hộ gia đình, gồm: Chức sắc, chức việc, nhà tu hành; Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội, không phải đối tượng thuộc các nhóm 1,2,3,4 trong Luật BHYT quy định.
Bổ sung nhóm do Người sử dụng lao động đóng, gồm: Thân nhân công nhân, viên chức quốc phòng, công an và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu đang phục vụ trong quân đội, công an và cơ yếu.
* Điều chỉnh nhóm đối tượng
Nghi định quy định, người từ đủ 80 tuổi trở lên hưởng trợ cấp tuất hằng tháng sẽ được chuyển từ nhóm do BHXH đóng sang nhóm do ngân sách Nhà nước đóng theo quy định của Luật BHXH.
Theo đó, đối tượng người nghèo được tách thành 2 nhóm: Người nghèo theo tiêu chí về thu nhập, người nghèo đa chiều thiếu hụt về BHYT (nhóm 3); Người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thiếu hụt BHYT (nhóm 4).
* Về mức đóng BHYT, phương thức đóng BHYT
Đối với hộ gia đình, Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chỉ được giảm trừ mức đóng BHYT khi các thành viên trong hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.
Đối tượng đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng sẽ không áp dụng giảm trừ mức đóng.
Trường hợp đối tượng thuộc nhóm 6 (mới phát sinh), đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo thứ tự sau: Do người lao động và người sử dụng lao động đóng; do cơ quan BHXH đóng, do ngân sách Nhà nước đóng; do người sử dụng lao động đóng.
Đối với đối tượng nhóm 4 và nhóm 5 tham gia BHYT vào các ngày trong tháng: số tiền đóng BHYT được xác định kể từ ngày người tham gia BHYT đóng tiền (không phải từ đầu tháng đóng).
* Điều chỉnh mức hưởng BHYT
Đối với người tham gia kháng chiến nhưng không thuộc 2 nhóm người có công với cách mạng và cựu chiến binh (Theo quy định của Pháp lệnh người có công với cách mạng): Điều chỉnh từ 100% xuống 80% theo đúng quy định của Luật BHYT.
Đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên: mức hưởng 100%, có áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán đối với thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật thành 100%, không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán.
Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng: tăng từ 80% lên 100% để đảm bảo công bằng với các đối tượng bảo trợ xã hội trên 80 tuổi khác.
* Một số trường hợp đặc biệt được tính là tham gia BHYT liên tục
Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, các trường hợp đặc biệt như trên, gồm:
- Gián đoạn tối đa không quá 03 tháng
- Người được cơ quan có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, làm việc hoặc theo chế độ phu nhân, phu quân hoặc con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi đi theo bố hoặc mẹ công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài mà trước đó đã tham gia BHYT.
- Người lao động đi lao động ở nước ngoài thì thời gian đã tham gia BHYT trước khi đi nếu tham gia BHYT khi về nước trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh
- Người lao động trong thời gian làm thủ tục chờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật việc làm thì thời gian đã tham gia BHYT trước đó được tính là thời gian tham gia BHYT
- Đối tượng công an, quân đội, cơ yếu khi nghỉ hưu, xuất ngũ, chuyển ngành hoặc thôi việc, nếu thời gian học tập, công tác trong công an, quân đội, cơ yếu chưa tham gia BHYT thì thời gian trước đó được tính là thời gian tham gia BHYT.
- Cách tính mới tiền lương ngày nghỉ lễ
Theo Nghị định 148/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ 15/12) sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hàng năm, ngày nghỉ hàng năm tăng thêm theo thâm niên, ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương.
Cụ thể, trong các ngày nghỉ nêu trên, tiền lương được tính như sau: Tiền lương theo hợp đồng lao động chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày ngày lao động nghỉ.
Theo Nghị định 05/2015/NĐ-CP, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động được quy định cụ thể là tiền lương của tháng trước liền kề.
- Điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ
Nghị định 153/2018 có hiệu lực từ ngày 24/12 quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018 đến năm 2021, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng như sau:
Mức điều chỉnh sẽ được tính bằng mức lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và thời điểm hưởng lương hưu.
Nếu nghỉ hưu năm 2018, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 12,3%; thấp nhất là 1,08%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Nếu nghỉ hưu năm 2019, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 9,23%, thấp nhất là 0,81%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn 2018-2021 và số người có từ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội là khoảng 91.000, gồm 20.500 người nghỉ hưu vào năm 2018; 22.000 người vào năm 2019; 23.500 người vào năm 2020 và 25.100 người vào năm 2021.
- Nhiều trường hợp được miễn chi phí khám chữa bệnh
Nghị định 146/2018 có hiệu lực từ ngày 1/12 quy định hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Y tế đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 đến khởi nghĩa tháng tám năm 1945; mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; trẻ em dưới 6 tuổi...
Ngoài ra, nghị định cũng bổ sung thêm nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, gồm:
- Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong quân đội.
- Thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong công an nhân dân.
- Thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
Cụ thể, thân nhân của các nhóm đối tượng trên bao gồm:
- Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng.
- Vợ hoặc chồng.
- Con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông.
- Miễn học phí trẻ 5 tuổi ở vùng đặc biệt khó khăn
Có hiệu lực từ ngày 1/12, Nghị định 145/2018 nêu rõ ngoài 15 trường hợp đã được miễn học phí theo quy định trước đây thì từ năm học 2018-2019 (tức từ ngày 1/9/2018), Nhà nước miễn học phí đối với trẻ học mẫu giáo 5 tuổi ở vùng đặc biệt khó khăn có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo...
Theo LuatVietNam