Nhà đầu tư nữ cần làm gì để tránh rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp?
Nguy cơ "mất cả chì lẫn chài"
Đợt dịch Covid-19 vừa qua, chị Hoàng Ninh (36 tuổi, ở Hà Nội), cô giáo tiểu học, đã phải thắt chặt chi tiêu của gia đình khi thu nhập của chị giảm đáng kể. Có chút tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng nhưng chị vẫn nản khi thấy lãi suất thấp. Cuối cùng, nghe lời người quen tư vấn, chị quyết định chuyển hướng sang đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. "Tôi có 800 triệu gửi tiết kiệm. Tôi đã quyết định rút một nửa số tiền này để góp tiền cùng một vị phụ huynh đầu tư trái phiếu. Chị phụ huynh mà tôi quen là một người đầu tư khá chuyên nghiệp. Vì thế, chị ấy đầu tư vào đâu tôi cũng đổ tiền của mình vào đó, chỉ là ít hơn chị ấy thôi", chị Hoàng Ninh chia sẻ.
Bỏ ra một nửa số tiền nhàn rỗi của mình để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mong muốn tiền của mình sẽ sinh lời thì giờ đây, chị Hoàng Ninh lại như "ngồi trên đống lửa" khi thấy Ủy ban Chứng khoán nhà nước vừa hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của một số công ty thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh vì công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ. "Mặc dù không mua trái phiếu của Tập đoàn này nhưng tôi vẫn rất lo vì không biết doanh nghiệp phát hành loại trái phiếu mà tôi đang mua, liệu làm ăn có vi phạm pháp luật gì không", chị Hoàng Ninh cho biết. Chị Ninh thấy ân hận vì trước khi mua trái phiếu doanh nghiệp đã không tìm hiểu kỹ thông tin.
Trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển khá nhanh do mức lãi suất gấp đôi tiết kiệm tiền đồng (11% - 12%/năm). Theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 tăng 42% so với năm trước, đạt 658.000 tỉ đồng, đặc biệt là sự xuất hiện của 243 doanh nghiệp phát hành lần đầu. Hơn 60% trong số đó là doanh nghiệp bất động sản và xây dựng. Thế nhưng, có đến 29% trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành lại không có tài sản bảo đảm hoặc chỉ bảo đảm bằng cổ phiếu. Và tỉ lệ này đang tăng khoảng 4%-5% trong nửa cuối năm 2021 khi diễn biến giá cổ phiếu bất động sản tương đối thuận lợi cho việc thế chấp.
Lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao
Để tránh rủi ro khi tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Thuý Anh, người mua trái phiếu trước tiên phải biết trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, tình hình tài chính, lĩnh vực kinh doanh... của doanh nghiệp ra sao, trái phiếu có tài sản đảm bảo không. Nhà đầu tư cần biết, đơn vị bán trái phiếu doanh nghiệp không có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư bởi vì các tổ chức này chỉ cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rất nhiều doanh nghiệp khi bán trái phiếu quảng cáo mập mờ là phát hành thông qua ngân hàng lớn khiến khách hàng lầm tưởng là ngân hàng đứng sau nhưng thực tế không phải. Thêm nữa, công ty chứng khoán cũng chỉ lưu ký để phát hành, giữ chức năng lưu ký để quản lý trái phiếu.
Ngoài ra, nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao. Vì vậy, cần thận trọng, đánh giá kỹ trước khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp. Không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Siết chặt quản lý doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho hay, 2 năm qua, Bộ Tài chính đã nhiều lần cảnh báo nhà đầu tư mua trái phiếu cần nắm được quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Dự kiến các điều kiện của các doanh nghiệp phát hành sẽ được nâng cao hơn hiện nay như yêu cầu về các chỉ số huy động nợ trên vốn, khi nợ trên vốn cao thì phải có tài sản đảm bảo... Đặc biệt, điều cần sửa nhất là quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hướng chặt chẽ hơn. Đối với cá nhân, để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp thì chính sách cần bổ sung các điều kiện như kinh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực chứng khoán...
Giải pháp hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư được phía Bộ Tài chính khuyến cáo là khi không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thì bất cứ ai chào mời mua trái phiếu riêng lẻ cũng không mua.