Nội dung kết luận về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040

hlhpn.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]

Ngày 18-4, ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa ký ban hành Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040.

Về báo cáo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cơ bản thống nhất với các định hướng lớn trong dự thảo báo cáo Quy hoạch tỉnh và báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tại Báo cáo số 96-BC/BCSĐ, ngày 1-4; giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến góp ý tại hội nghị, khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo báo cáo Quy hoạch tỉnh và gửi văn bản lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành Trung ương, đơn vị liên quan. Trên cơ sở đó, hoàn thiện nội dung báo cáo và thành phần hồ sơ theo quy định trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh cấp quốc gia; báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh xem xét, rà soát lại lần cuối trước khi trình HĐND tỉnh và trình cấp thẩm quyền phê duyệt trong quý II/2022.

KET LUAN QUY HOACH TINH.jpg (332 KB)

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất không xây dựng công trình ở khu vực có nguy cơ sạt lở.

Về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất một số nội dung quan trọng và những định hướng mang tính nguyên tắc như sau:

Về hệ thống công trình điểm nhấn: thống nhất chia làm 2 nhóm gồm: công trình điểm nhấn về chiều cao và công trình điểm nhấn có giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, giá trị cảnh quan đặc sắc. Trong đó, lưu ý hạn chế tối đa việc quy hoạch phát triển nhà cao tầng ở các vị trí mới đối với khu vực dọc đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng và nghiên cứu đề xuất một số vị trí công trình điểm nhấn cho phù hợp. Trường hợp không thống nhất được vị trí cụ thể thì nên định hướng ở khu vực cụ thể để làm cơ sở lập quy hoạch xây dựng phân khu, quy hoạch chi tiết sau này.

Đối với khu vực Ga Nha Trang: duy trì ga hành khách, xây dựng mới ga hàng hóa tại xã Vĩnh Trung thay thế ga hàng hóa hiện nay. Về định hướng quy hoạch khu vực Ga Nha Trang cho giai đoạn sau năm 2030, ưu tiên quy hoạch không gian bảo tàng, công viên, đường đi bộ, công trình phục vụ mục đích công cộng (chiếm tối thiểu 60% tổng diện tích khu vực ga được chuyển đổi), kết hợp cung cấp thương mại, dịch vụ (hạn chế tối đa nhà cao tầng) và bố trí tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng trong vùng quy hoạch.

Về khu vực đồi núi trên địa bàn thành phố và khu vực đèo Cù Hin: không xây dựng công trình ở những khu vực có nguy cơ sạt lở. Đối với khu vực không có nguy cơ sạt lở, thống nhất không quy hoạch đất ở mà chỉ quy hoạch đất thương mại, dịch vụ đối với các dự án mới, theo hướng thân thiện môi trường, hài hòa với thiên nhiên, đảm bảo mật độ xây dựng tối đa không quá 10% và tổ chức kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Đối với những dự án đã triển khai xây dựng theo đúng quy định pháp luật thì thống nhất cho phép giữ nguyên hiện trạng. Đối với những dự án đã lựa chọn, chấp thuận nhà đầu tư theo đúng trình tự, quy định pháp luật nhưng chưa triển khai xây dựng thì khuyến khích, vận động chủ đầu tư giảm mật độ xây dựng để đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan thiên nhiên trong khu vực.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đồng ý việc quy hoạch công viên sinh thái rừng ngập mặn trên sông Quán Trường, trong đó lưu ý phải đảm bảo cảnh quan sinh thái và không làm ảnh hưởng đến chức năng thoát lũ, dẫn nước của sông Quán Trường; thống nhất bổ sung quy hoạch và giải pháp khơi thông dòng chảy các con sông gắn với quy hoạch kết nối các tuyến giao thông thủy nội địa nhằm phục vụ hiệu quả việc tiêu thoát lũ, phát triển du lịch sinh thái; đồng thời nghiên cứu phát triển quỹ đất 2 bên sông đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tế.

Về quy hoạch giao thông, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất kết nối giao thông đường Võ Nguyên Giáp với trục đường chính khu vực Sân bay Nha Trang theo phương án kết nối bằng một trục đường có hướng tuyến thẳng, bề rộng bằng lộ giới đường Võ Nguyên Giáp hiện trạng (60m). Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh thực hiện lấy ý kiến cộng đồng dân cư, các cơ quan liên quan theo quy định; tổng hợp ý kiến, cân nhắc kỹ trên tinh thần cầu thị để lựa chọn phương án kết nối cụ thể tối ưu, trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện các yếu tố về kết nối giao thông, kỹ thuật xây dựng công trình, chi phí tái định cư, giải phóng mặt bằng, đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng; báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh về phương án kết nối tuyến đường qua Khu đô thị An Viên (vòng qua núi Hòn Rớ) với đường Nguyễn Tất Thành và quy hoạch Bến tàu du lịch của Nha Trang. Đồng thời, thống nhất phương án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành hiện hữu (đoạn đi qua khu vực núi Cù Hin), bổ sung quy hoạch tuyến đường hầm xuyên qua núi Cù Hin để định hướng phát triển hạ tầng giao thông kết nối Nha Trang và huyện Cam Lâm trong tương lai. Tỉnh ủy đồng ý bổ sung quy hoạch kết nối giao thông từ Tháp Bà Ponagar (Nha Trang) đến di tích Am Chúa (huyện Diên Khánh) để khai thác giá trị văn hóa, kết nối du lịch.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất không quy hoạch một số vị trí lấn biển để triển khai dự án tại khu vực dọc trục đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng (từ khu vực Hồ Tiên đến Quân cảng Hải Quân). Tại các khu vực này, chỉ cho phép cải tạo bãi tắm phục vụ nhân dân và du khách nhưng phải đảm bảo yếu tố về môi trường, biến đổi khí hậu.

Theo https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202204/noi-dung-ket-luan-ve-quy-hoach-tinh-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050-va-dieu-chinh-quy-hoach-chung-tp-nha-trang-den-nam-2040-8249283/