Chị Thị Huyền - gương sáng hội viên, phụ nữ làm kinh tế giỏi

hlhpn.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 07/11/2024 ]

Tấm gương sáng làm kinh tế giỏi tiêu biểu đại diện cho người dân tộc thiểu số Raglai, đó là chị Thị Huyền, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Thịnh Sơn, xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; được biết đến là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát, nhiệt tình tham gia công tác hội và đặc biệt hơn chị là người thật sự có uy tín tại địa phương.

Chi Thị Huyền - cham soc vuon cay.jpg (464 KB)

Chị Thị Huyền - chăm sóc vườn đu đủ

Chị Thị Huyền sinh năm 1971, chị lập gia đình năm 1991 tại thôn Thịnh Sơn, xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh. Lúc đầu khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, cuộc sống gặp không ít khó khăn, cũng như bao gia đình khác trong xã, vợ chồng chị Huyền đã tiết kiệm được khoản tiền nhỏ để mua bò chăn nuôi và làm vườn rẫy trồng bắp để trang trải kinh tế gia đình. Tuy nhiên trong quá trình canh tác mang tính tự cấp, tự túc và tự phát, thu nhập của gia đình chị cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống, làm sao cho đủ ấm no, đủ kinh phí nuôi con ăn học… Năm 2008 chị và gia đình đã mạnh dạn tham gia vay vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, chủ yếu đầu tư trồng cỏ và chăn nuôi bò, nhờ chịu khó làm ăn và biết tính toán cuộc sống của gia đình chị đã khá giả lên nhiều, hàng năm cũng cho thu nhập cao từ 100 đến 150 triệu, qua nhiều lần chăn nuôi và tái sản xuất trồng trọt để phát triển kinh tế, đến nay chị và gia đình có nhu cầu muốn mở rộng thêm mô hình phát triển kinh tế mới tạo điều kiện cho con cái sau này có thêm công việc để ổn định cuộc sống. Chính vì những suy nghĩ đó đã thôi thúc bản thân chị và gia đình tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm để chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng đất canh tác của gia đình. Từ cuối năm 2019, chị và gia đình tham gia học tập mô hình trồng đu đủ sạch, bắt đầu đầu tư ươm giống trồng cây đu đủ trên mảnh đất của mình. Nhờ sự kiên trì và có suy nghĩ tích cực, chịu khó học hỏi kinh nghiệm cũng như kiến thức trong trồng trọt, hiện tại vườn đu đủ gia đình chị có 300 cây đã cho thu hoạch được 2 năm, mỗi lần thu hoạch khoảng 700 - 800 kg đu đủ, tổng thu nhập trung bình khoảng 8 đến 9 triệu/01 tháng. Với sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, cuộc sống gia đình chị sau nhiều năm cũng đã có nhiều thay đổi đáng kể. Đối với gia đình, chị luôn để ý chăm sóc, giữ không khí hòa thuận, hạnh phúc, nuôi dạy và chăm lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn, các con của chị đã trưởng thành và có công việc làm ổn định tại địa phương.

Chị Thị Huyền- Chi em PN den tham quan mo hinh trong cay an qua sach.jpg (388 KB)

Các chị em phụ nữ đến thăm mô hình vườn đu đủ sạch của chị Huyền

Ngoài phát triển kinh tế, chị và gia đình luôn chấp hành tốt mọi chủ trường, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong công tác Hội, chị luôn quan tâm và nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội. Chị luôn tạo điều kiện, chia sẻ và hỗ trợ cho chị em hội viên, phụ nữ tại địa phương về các vấn đề đời sống gia đình cũng như phương pháp phát triển kinh tế.

Với ý chí và nghị lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh và có những ý tưởng đột phá mới của người phụ nữ dân tộc thiểu số Raglai trong sáng kiến chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế mới, chị Thị Huyền là một trong những tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, vươn lên làm giàu chính bằng sức lao động và đôi bàn tay của mình để các chị em phụ nữ  tại địa phương xem đó là một tấm gương sáng học tập, làm theo. Được biết đây là một mô hình mới mà các lãnh đạo địa phương và thành phố đang rất quan tâm để đưa vào dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương trong thời gian tới và xem như mô hình của gia đình chị là mô hình thí điểm  tại địa phương.

Thu Huyền