Phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình kết hợp với xây dựng các mô hình hoạt động

hlhpn.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ sáu, 22/11/2024 ]

       Theo kết quả thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2011 đến năm 2015, nước ta có trên 157.000 vụ bạo lực gia đình được phát hiện, trong đó, nạn nhân là phụ nữ (từ 16-59 tuổi) chiếm gần 75%, hơn 17.500 trường hợp là trẻ em với tỷ lệ là 11,14% và 8,9% trường hợp là người cao tuổi. Trung bình mỗi năm, nước ta xảy ra hơn 31.500 vụ, mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của bạo lực gia đình. Đặc biệt, năm 2012 xảy ra tới 50.700 vụ, cao gấp 1,5 lần con số bình quân hàng năm. Còn tại Khánh Hòa, năm 2008 có hơn 300 vụ, đến năm 2014 giảm còn  hơn 200 vụ. Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 195 vụ bạo lực gia đình. Điều đó cho thấy, vấn nạn bạo lực gia đình đang ngày càng diễn biến phức tạp và trở nên nghiêm trọng, bởi bạo lực gia đình không chỉ ở số lượng mà còn ở tính chất các vụ việc xảy ra.

phat-huy-vai-tro-cua-phu-nu-trong-cong-tac-tuyen-truyen-pho-bien-giao-duc-phap-luat (71 KB)

Hội LHPN tỉnh tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, phụ nữ xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang

       Trước tình hình đó, công tác phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ là vấn đề cấp thiết mà còn là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành, trong đó có vai trò rất lớn của Hội LHPN các cấp. Nhận thức rõ điều đó, trong 10 năm qua, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, của UBND tỉnh Khánh Hòa, Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa trách nhiệm theo quy định tại Điều 34 Luật phòng, chống bạo lực gia đình để chỉ đạo các cấp Hội toàn tỉnh triển khai, thực hiện. Sau 10 năm, việc triển khai thi hành luật của các cấp Hội LHPN tỉnh đạt được nhiều kết quả cụ thể, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cán bộ, hội viên phụ nữ toàn tỉnh trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
       Công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình được các cấp Hội trong  tỉnh quan tâm, tổ chức thường xuyên, thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú  như: tập huấn, hội thảo, tọa đàm, giao lưu, hội thi tìm hiểu pháp luật, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt chi/tổ, nhóm phụ nữ… Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã tổ chức hơn 150 lớp tập huấn, 3.789 buổi tuyên truyền, truyền thông về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản pháp luật liên quan, thu hút 371.631 lượt hội viên, phụ nữ tham gia. Riêng Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp, Ban Dân tộc, Công an, Chi cục phòng chống TNXH, Sở Lao động TB&XH, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động tỉnh… mở 60 lớp tập huấn, tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm…  cho 5.040 lượt cán bộ Hội chủ chốt, báo cáo viên, tuyên truyền viên, công chức, viên chức, người lao động; Phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền, phổ biến một số điểm mới của Luật Hôn nhân và Gia đình đến hơn 300 cán bộ Hội, cán bộ nữ lãnh đạo, đoàn viên, công chức và người lao động; Phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức hơn 30 buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho gần 2.000 hội viên, phụ nữ, nhất là hội viên, phụ nữ vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hòa giải ở cơ sở; thực hiện Đề tài “Một số giải pháp nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ” (2013). Hội tập trung xây dựng mô hình, phối hợp thực hiện công tác hỗ trợ, tư vấn cho nạn nhân bị bạo lực gia đình; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.
       Mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng được thành lập, qua đó kịp thời hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình có nơi tạm lánh và giúp đỡ các nhu cầu thiết yếu khác nhằm đảm bảo sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực gia đình. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 2.599 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng với thành viên là các đồng chí lãnh đạo UBND, các đoàn thể, công an, tư pháp, y tế…, 1.059 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 137 cơ sở y tế khám, chữa bệnh và tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình, 967 tổ hòa giải ở cơ sở, đã thực hiện hòa giải trên 1.772 vụ mâu thuẫn gia đình; tư vấn, tiếp nhận, giúp đỡ, khám và chăm sóc 368 nạn nhân bị bạo lực gia đình. 
       Hội LHPN các cấp còn thành lập và duy trì hoạt động của 105 CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, 107 CLB "5 không, 3 sạch", 122 mô hình khác, 215 các tổ, nhóm với 15.237 thành viên… Nội dung sinh hoạt câu lạc bộ, tổ nhóm không chỉ có ý nghĩa tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc trong phạm vi câu lạc bộ mà còn có ý nghĩa hỗ trợ công tác tuyên truyền rộng tại cộng đồng dân cư, qua đó đã giúp cho công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở đạt hiệu quả.
       Cùng với công tác tuyên truyền, xây dựng, tổ chức hoạt động của các mô hình, Hội LHPN tỉnh còn hướng đến mục tiêu hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ yếu thế, nạn nhân bạo lực gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng ngừa bạo lực gia đình. 10 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác phối hợp tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề cho 11.533 lao động nữ, giới thiệu việc làm, hướng dẫn phương thức làm ăn, phát triển kinh tế gia đình cho 21.277 lao động nữ, giúp các chị vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống; ủy thác với NHCSXH trên 1.100 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 57.717 hộ phụ nữ vay; tín chấp với NHNN&PTNT 103,3 tỷ đồng cho 2.860 hộ phụ nữ vay phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, ổn định cuộc sống. Hội LHPN các cấp tiếp tục duy trì 2.569 tổ/nhóm tiết kiệm xoay vòng, 1.372 tổ tiết kiệm giúp nhau, 1.241 tổ TK&VV NHCSXH, 4.292 heo đất tiết kiệm, 96 Hội PN cấp xã có hoạt động “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”… với 115.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia tiết kiệm với tổng số tiền gần 94,2 tỷ đồng. Nhiều mô hình mới trong tiết kiệm giúp đỡ nhau đã được thành lập, thu hút sự tham gia của hội viên, phụ nữ như: “Trao phương tiện sinh kế cho phụ nữ nghèo”, “Hai giúp một”, “Việc làm nhỏ, nghĩa tình lớn”, “Chị ngã em nâng”, “Hướng tới tương lai”… góp phần giúp hội viên, phụ nữ vượt qua khó, cải thiện cuộc sống gia đình.
       Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành định hướng ưu tiên lựa chọn nội dung hoạt động để tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại tỉnh Khánh Hòa.

                                                                            Ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh