Nữ doanh nhân góp tiếng nói tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022

hlhpn.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ bảy, 23/11/2024 ]

Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 có sự tham dự của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam Hà Thị Thu Thanh.

20_Sep_2022_021313_GMTndn_1.jpg (73 KB)

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (giữa) trao đổi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng (thứ hai phải sang),

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương (bên trái), PCT HH NDN VN Hà Thị Thu Thanh (thứ hai từ trái sang),

và các đại biểu bên lề Diễn đàn. Ảnh: Quang Phúc

Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" diễn ra vào ngày 18/9/2022.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn; việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô mà nói rộng hơn là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội còn rất nhiều thách thức. Đặc biệt là rủi ro, thách thức do suy giảm kinh tế, bất ổn tài chính trên thế giới; một số cấu phần của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai còn chậm, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra; giải ngân đầu tư công còn chậm và vẫn là điểm nghẽn; lạm phát tăng chậm lại song vẫn duy trì ở mức cao và áp lực tăng trở lại khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường…

Xuất phát từ tình hình đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc, quyết định lựa chọn vấn đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" làm chủ đề cho Diễn đàn năm 2022 và điều chỉnh tên gọi là Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2022 để bảo đảm tính toàn diện và sát hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.

ndn 2.jpg (90 KB)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng (thứ hai từ phải sang), Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương (bên phải),

Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam Hà Thị Thu Thanh (thứ hai từ trái sang) tham dự Diễn đàn

Diễn đàn là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu hàng đầu trong nước, chuyên gia của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam của năm 2022, từ đó đưa ra các chính sách, giải pháp ứng phó.

Tham dự diễn đàn, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam trình bày tham luận: Nâng cao năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

Bà Hà Thị Thu Thanh cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội trên toàn thế giới trong năm 2020 và 2021. Những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu (EU) đã rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua; thương mại toàn cầu suy giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hoạt động sản xuất và lưu thông bị đình trệ…

Ở trong nước, Việt Nam không nằm ngoài tác động chung của đại dịch Covid như các quốc gia khác. Đại dịch đã tác động tiêu cực, sâu rộng tới nền kinh tế Việt Nam với sự đứt gãy chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu sang các thị trường trường truyền thống.

ndn 3.jpg (45 KB)

Bà Hà Thị Thu Thanh trình bày tham luận

Sau 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp phải tạm đóng cửa hay giải thể thì phần lớn do khó khăn về tài chính, đặc biệt là khó khăn về dòng tiền để duy trì các hoạt động thường xuyên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch thì lại gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, thiếu hụt cả số lượng và thiếu hụt kỹ năng của người lao động. Việc thiếu hụt kỹ năng đã và đang là trở ngại lớn đối với hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp đã tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu. Cùng với đó là sự cạnh tranh về lao động lành nghề, lao động chất lượng cao đi kèm với quá trình chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam ngày càng khốc liệt. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và không ưu tiên cho các hoạt động đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, cải thiện năng lực cạnh tranh.

Bà Hà Thị Thu Thanh cho rằng, năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp được cộng hưởng và gia tăng khi được chia sẻ một cách đầy đủ trong sự kết nối với các hiệp hội ngành nghề, cũng như nhận được sự lắng nghe, hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, từ địa phương đến Trung ương. Điều này cũng thể hiện sự quan tâm và cùng đồng hành, chia sẻ giá trị và trách nhiệm của các cơ quan quản lý với cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần có một cơ chế cho các doanh nghiệp đang đi tiên phong về môi trường, với các thể chế liên quan đến những ưu tiên, ưu đãi về thuế và đất đai cho những địa điểm đặt các nhà máy sản xuất, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Bên lề Diễn đàn, bà Hà Thị Thu Thanh chia sẻ thêm: "Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 là một diễn đàn mang điểm nhấn rất cao, đặc biệt diễn đàn được tổ chức sau hai năm Covid, bên cạnh vấn đề kinh tế thì vấn đề xã hội đã và đang được nhấn mạnh rất nhiều bởi lẽ sự phục hồi của một nền kinh tế trong sự phát triển bền vững thì yếu tố xã hội là yếu tố được đề cập vô cùng quan trọng."

Theo http://hoilhpn.org.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/nu-doanh-nhan-gop-tieng-noi-tai-dien-%C4%91an-kinh-te-xa-hoi-viet-nam-2022-50514-5.html