Giới thiệu những điểm mới của Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khoá XIII

hlhpn.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]

Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII thông qua ngày 11 tháng 3 năm 2022 bao gồm 8 chương và 27 điều. Đây là văn bản có tính pháp lý quan trọng, quy định những nguyên tắc cơ bản, định hướng tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

7_Nov_2022_041625_GMTIMG_5986.JPG.jpg (143 KB)

Đại biểu biểu quyết tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc XIII

Ba điểm mới đặc biệt trong Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là bổ sung quy định về hội viên danh dự, quy định về việc lập và hoạt động của Ủy ban Kiểm tra các cấp Hội và quy định việc nâng mức hội phí đối với hội viên.

Kế thừa những nội dung cơ bản của Điều lệ Hội qua các nhiệm kỳ, Điều lệ Hội khóa XIII đã tiếp tục nghiên cứu sửa đổi đảm bảo kiên định tôn chỉ, mục đích, chức năng của Hội đồng thời bổ sung một số quy định mới do thực tiễn yêu cầu hoạt động Hội đặt ra cho phong trào phụ nữ, công tác Hội LHPN Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. 8 chương, 27 Điều trong văn bản Điều lệ đã quy định những nguyên tắc rất cơ bản về chức năng, nhiệm vụ, về hội viên, tổ chức thành viên, về các nguyên tắc tổ chức hoạt động và hệ thống của tổ chức, cơ quan lãnh đạo các cấp Hội, công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật và tài chính của Hội. Cũng như một số nhiệm kỳ Đại hội, nhiệm kỳ Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, các vấn đề thực tiễn đặt ra đòi hỏi tổ chức Hội cần phải cân nhắc, nghiên cứu, quy định rõ trong văn bản pháp lý của mình một số vấn đề về mở rộng cách thức tập hợp các đối tượng hội viên, đặc biệt là hội viên danh dự; về vai trò của công tác kiểm tra và một số vấn đề về tài sản, hội phí của Hội.

Vì vậy, Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khóa XIII đã tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề lớn sau:

Thứ nhất, việc quy định về hội viên danh dự. Trong giai đoạn vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ rất đắc lực của các cá nhân có sự ảnh hưởng trong xã hội như giới văn nghệ sĩ, các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động xã hội. Họ đều là những người mong muốn được cống hiến, tham gia, đóng góp vào các hoạt động của Hội, sự tiến bộ của phụ nữ và xây dựng phong trào phụ nữ. Với mong muốn tập hợp lực lượng này tham gia các hoạt động Hội, Điều lệ khóa XIII đã nghiên cứu, bổ sung thêm 01 khoản tại Điều 3, về đối tượng hội viên mà Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hướng tới trong nhiệm kỳ này chính là hội viên danh dự của Hội. Cụ thể quy định “2. Hội viên danh dự: Là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có uy tín, tầm ảnh hưởng, có đóng góp tích cực cho phong trào phụ nữ và hoạt động Hội, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội, được cấp có thẩm quyền công nhận là hội viên danh dự”. ‎Hội LHPN Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội có đặc thù về giới. Mặc dù vậy, xét từ yêu cầu thực tiễn, tổ chức Hội nhận thấy việc khuôn hẹp đối tượng hội viên danh dự mà không tính đến nam giới để đồng hành, góp phần tích cực thực hiện công tác bình đẳng giới là thiếu sót. Vì vậy, những hội viên danh dự mà Hội hướng đến ngoài phụ nữ sẽ có cả lực lượng nam giới. Việc bổ sung quy định tại Điều 3 đã đồng thời cũng được nghiên cứu để điều chỉnh các Điều khoản đi kèm về quyền và nhiệm vụ cho đầy đủ (Điều 6, Điều 7 đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của hội viên danh dự). Đầu tháng 7/2022, Hội LHPN Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn thực hiện Điều lệ, có tiêu chí cụ thể để xét công nhận hội viên danh dự và hướng dẫn rõ ngoài nữ giới có cả nam giới tham gia là hội viên danh dự của Hội.

Thứ hai, việc quy định về ủy ban kiểm tra. Đây là một trong những điểm mới đặc biệt được chú ý của nhiệm kỳ này và được các cấp Hội thảo luận rất sâu, rộng qua các kỳ Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp trong năm 2021. Thực tế triển khai thực hiện công tác kiểm tra của Hội cho thấy chất lượng, hiệu quả chưa đồng đều, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu với tình hình mới; việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của các cấp Hội còn yếu; một số vi phạm chưa được phát hiện kịp thời; hiệu quả cảnh báo, phòng ngừa vi phạm còn hạn chế; việc kiểm tra, giám sát và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật còn lúng túng, đôi khi chưa kịp thời và chưa đảm bảo yêu cầu mà nguyên nhân là do Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp chưa có Uỷ ban Kiểm tra, các cấp Hội chỉ giao cho một cán bộ kiêm nhiệm tham mưu theo dõi. Vì thế, việc lập Ủy ban Kiểm tra các cấp Hội trong nhiệm kỳ khóa XIII là một yêu cầu cần thiết và quan trọng. Để thông qua tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nội dung này đã được tổ chức lấy ý kiến nhiều lần từ các chuyên gia, các nhà làm luật, các lãnh đạo Hội qua các thời kỳ và đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận, ủng hộ. Trong nhiều năm qua, công tác kiểm tra, giám sát đã được quan tâm, song chưa thực sự được nâng cao vai trò, đặc biệt là việc phát huy và tranh thủ trí tuệ tập thể của các Ủy viên Ban Chấp hành trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, nhất là khi có các vi phạm phải thực hiện quy trình kỷ luật Hội, hơn nữa, hiện các đoàn thể chính trị xã hội khác cũng đã lập và vận hành hoạt động của Ủy ban Kiểm tra, trong khi tổ chức Hội chưa thực hiện được việc này. Như vậy, rõ rang thực tế  cho thấy việc thành lập ủy ban kiểm tra các cấp Hội là điều cần thiết và cần có quy định pháp lý về vấn đề này. Việc lập và tổ chức hoạt động của Ủy ban Kiểm tra các cấp Hội được thực hiện theo nguyên tắc kiêm nhiệm, không phát sinh biên chế và bộ máy chuyên trách độc lập. Tại kỳ họp thứ 2, Ban Chấp hành Trung ương Hội vừa qua, các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội đã bầu Ủy ban Kiểm tra cấp Trung ương Hội khóa I, đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, ủy viên dự khuyết Ban Chấp Hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam được bầu giữ chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm Tra Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa I. Bộ phận Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hội được quy định đặt tại Ban Tổ chức. Theo Đề án Ủy ban Kiểm tra Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, từ nay đến cuối năm, Ủy ban Kiểm tra các cấp Hội sẽ phải thành lập và tổ chức hoạt động theo quy định tại Điều 21 và Điều 22 Điều lệ Hội. Hiện, Trung ương đang tập trung hướng dẫn cấp tỉnh hoàn thành tiến độ theo kế hoạch.

Ra mat ubkt.jpg (264 KB)

Ủy ban kiểm tra Trung ương Hội khóa I, nhiệm kỳ 2022-2027 ra mắt tại HN BCH lần thứ 2 (02/7/2022)

Thứ ba, quy định về mức tăng hội phí đối với hội viên. Đây là vấn đề cũng được nghiên cứu và đặt ra nhiều nhiệm kỳ nay, tuy nhiên, đến thời điểm này, việc quy định về mức đóng hội phí là 2.000 đồng/hội viên/tháng (tại Điều 25) là điều cần thiết và phù hợp. Bởi, quy định nâng từ 1.000 đồng lên 2.000 đồng đảm bảo tương xứng với điều kiện sống và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay, hơn nữa, việc nâng mức này cũng được đa số cán bộ, hội viên đồng tình để tiếp tục có kinh phí trích lại cơ sở hỗ trợ cho các hoạt động Hội. Vì vậy, văn bản pháp lý đã sửa đổi, bổ sung và quy định mức đóng hội phí ngay tại Điều 25 Điều lệ Hội để tiếp tục khẳng định địa vị pháp lý đối với vấn đề xương sống này.Ngoài những vấn đề lớn, mới như đã nêu, Điều lệ Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ XIII cũng nghiên cứu, bổ sung một số quy định khác về tổ chức thành viên (Điều 8), tổ chức cơ sở Hội đặc thù (tại Điều 19), khẳng định quyền và trách nhiệm của Hội về tài sản (Điều 26); đồng thời, tại một số điều có nghiên cứu sửa đổi một số câu, từ đảm bảo phù hợp.Trên cơ sở các điểm mới được sửa đổi, bổ sung của Điều lệ Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ XIII, Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn số 01/HD – BCH, ngày 28/6/2022, hướng dẫn thực hiện Điều lệ với 12 vấn đề được sửa đổi, bổ sung cơ bản so với Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ XII. Đó chính là các nội dung cụ thể về quy trình công nhận hội viên danh dự; quy định về miễn sinh hoạt hội đối với một số trường hợp; mối quan hệ giữa Hội với tổ chức thành viên; vấn đề thành lập mới, chia tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức Hội; thay thế đại biểu đại hội và bầu cử trong trường hợp Đại hội/Hội nghị trực tuyến…tiếp tục làm căn cứ để các cấp Hội áp dụng, triển khai theo quy định.

Ban Tổ chức Trung ương Hội

https://hoilhpn.org.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/gioi-thieu-nhung-%C4%91iem-moi-cua-%C4%91ieu-le-hoi-lhpn-viet-nam-khoa-xiii-51865-2.html