Một số điểm mới của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 và vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong phòng, chống bạo lực gia đình
Ngày 14/11/2022, Quốc hội thông qua Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2023 gồm 6 chương, 56 điều, tăng 10 điều so với Luật 2007. Vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong phòng, chống bạo lực gia đình cũng được thể hiện rõ nét và phù hợp với chức năng của tổ chức Hội.
Ảnh minh họa
Thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo Luật, theo đó có 16 nội dung, quan điểm của Hội LHPN Việt Nam đã được xem xét tiếp thu trong toàn bộ quá trình xây dựng Luật.
Ngày 14/11/2022, Quốc hội thông qua Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2023 gồm 6 chương, 56 điều, tăng 10 điều so với Luật 2007. Vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong phòng, chống bạo lực gia đình cũng được thể hiện rõ nét và phù hợp với chức năng của tổ chức Hội.
1. Một số điểm mới của Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022
Thứ nhất, Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 tiếp cận dựa trên quyền con người, lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi bổ sung nhiều quy định về hành vi bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ người bị bạo lực thuộc nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật,
Thứ hai, Luật bổ sung nhiều quy định nhằm tăng tính chủ động trong phòng ngừa bạo lực gia đình. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin truyền thông, giáo dục; nội dung tư vấn, đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình; sửa đổi quy định về hòa giải nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi bạo lực gia đình; bổ sung "Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình", trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình và sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình.
Thứ 3, Luật tăng cường các biện pháp giúp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể, trong Luật có biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã và Tòa án tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc, đơn giản hóa thủ tục. Bên cạnh đó, quy định về giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc; biện pháp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; biện pháp "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng"; bảo vệ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác về bạo lực gia đình.
Thứ 4, Luật khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp hiệu quả. Cụ thể, quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, bổ sung các quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình như quy định về kinh phí phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình, phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.
Thứ 5, Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể bổ sung trách nhiệm của Chính phủ định kỳ 2 năm một lần hoặc đột xuất báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phòng chống bạo lực gia đình
Thứ nhất, phối hợp trong công tác tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình nói chung.
Tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình là một nội dung quan trọng nhằm tăng cường phòng ngừa bạo lực. Điều 16 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về nội dung, đối tượng, trách nhiệm chủ trì và phối hợp triển khai hoạt động tư vấn, cụ thể:
Nội dung tư vấn gồm: Thông tin, kiến thức, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, giới, bình đẳng giới và quy định của pháp luật có liên quan; quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình, thành viên khác trong gia đình;Kỹ năng ứng xử trong gia đình, tổ chức đời sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, xử lý khi xảy ra hành vi bạo lực gia đình, chăm sóc người bị bạo lực gia đình.
Đối tượng tư vấn gồm: Người bị bạo lực gia đình; Người có hành vi bạo lực gia đình; Trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Người thường xuyên có hành vi cổ xúy cho bạo lực, kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, giới tính, định kiến giới; Người chuẩn bị kết hôn.
Cơ quan chủ trì là Uỷ ban Nhân dân các cấp, trong quá trình thực hiện phối hợp với Hội LHPN cùng cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hướng dẫn, tạo điều kiện cho hoạt động tư vấn; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho người thực hiện tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở.
Thứ 2, chủ động triển khai, thực hiện các hoạt động hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, quy định tại các khoản 1,2,3,4,5 Điều 53 về Trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam, cụ thể: Tư vấn, tham gia hòa giải về phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở; tổ chức thực hiện, kết nối, giới thiệu dịch vụ tư vấn, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; Tổ chức hoạt động hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm hoặc hỗ trợ khác cho người bị bạo lực gia đình; Chủ trì, phối hợp tổ chức cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình thuộc phạm vi quản lý; nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em.
Thứ 3, thực hiện vai trò của tổ chức chính trị xã hội, tham gia quản lý Nhà nước trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, cụ thể: Phối hợp tổng hợp, báo cáo thống kê về phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình và gửi kết quả đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (khoản 6 Điều 53 về Trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam); Giám sát, phản biện xã hội; tham gia giám sát, phản biện xã hội trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; Tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, động viên thành viên, hội viên, quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và quy định khác của pháp luật có liên quan. Thực hiện tuyên truyền, giáo dục kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực gia đình trong cơ quan, tổ chức mình và Nhân dân; Kiến nghị những biện pháp cần thiết với cơ quan nhà nước có liên quan để thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và quy định khác của pháp luật có liên quan; tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, chăm sóc, hỗ trợ và bảo vệ người bị bạo lực gia đình (Điều 52 về Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên).