Chồng không cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn phải làm sao?

hlhpn.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]

Câu hỏi:

    Em ly hôn được 4 năm, khi ra tòa chồng em chấp nhận với mức trợ cấp cho con là 1 triệu đồng mỗi tháng nhưng chồng em chỉ cấp dưỡng được 3 tháng đầu, từ đó tới giờ chồng em không cấp dưỡng nữa. Giờ em muốn chồng em cấp dưỡng cho con em mỗi tháng thì phải làm sao?

                                                                             Nguyễn Thanh Thảo

Trả lời:

     Để nhận được tiền cấp dưỡng nuôi con theo quyết định của tòa, bạn phải đề nghị tổ chức Thi hành án dân sự địa phương buộc chồng em thực hiện Quyết định của Tòa, cụ thể:

     Theo Khoản 1, Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự hiện hành quy định: “Trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án”. Do đó, bạn phải thực hiện các việc sau:

  1. Làm đơn yêu cầu thi hành án:

Điều 31 Luật thi hành án dân sự quy định về Đơn yêu cầu thi hành án như sau:

“1. Đơn yêu cầu thi hành án có các nội dung chính sau đây:

     a) Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu;
     b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
     c) Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
     d) Nội dung yêu cầu thi hành án;

     2. Người làm đơn yêu cầu thi hành án phải ghi rõ ngày, tháng, năm và ký tên hoặc điểm chỉ; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân.

     Trường hợp người yêu cầu thi hành án trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự thì phải lập biên bản ghi rõ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu và chữ ký của người lập biên bản. Biên bản có giá trị như đơn yêu cầu thi hành án.

     Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án, phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan, nếu có”.

  1. Gửi đơn đến cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án:

     Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án được xác định như sau:

     “1. Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:

     a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;
     b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở;
     c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở;
     d) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi khác, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác.

     2. Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:

     a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp tỉnh trên cùng địa bàn;

     b) Bản án, quyết định của Toà án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh...".

     Sau khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án hợp lệ của bạn, cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật; buộc chồng (đã ly hôn) bạn phải đóng tiền cấp dưỡng nuôi con theo quyết định của tòa.

Luật gia tư vấn