Khánh Hòa: Ưu tiên thực hiện bình đẳng giới với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số bị bạo hành, xâm hại
Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Khánh Hoà đã triển khai Dự án "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" (Dự án 8) và bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với bà Phan Thị Hoà Bình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Khánh Hòa, xung quanh việc triển khai Dự án này tại địa phương.
PV: Việc triển khai Dự án 8 tại địa phương thời gian qua diễn ra thế nào, thưa bà?
Bà Phan Thị Hoà Bình: Với Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện tại 66 thôn, tổ dân phố/27 xã, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã trong tỉnh thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, ưu tiên phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi, em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, phụ nữ khuyết tật. Tổng kinh phí phân bổ để thực hiện Dự án 8 trong thời gian qua là gần 10 tỷ đồng.
Đặc biệt, hoạt động truyền thông, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em được Hội LHPN tỉnh xác định là một trong những chỉ tiêu đánh giá kết quả hoạt động của các cấp Hội. Từ đó, các cấp Hội LHPN đã chủ động, tích cực trong thực hiện Chương trình và được chính quyền địa phương đánh giá cao.
Thời gian qua, các cấp Hội trong tỉnh đã thành lập 3 tổ điểm truyền thông tại cộng đồng; tổ chức 44 hội nghị tập huấn hướng dẫn kỹ năng truyền thông cộng đồng cho hơn 2.080 lượt Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN các xã, Chi hội trưởng, Chi hội phó, thôn trưởng/ phó, bí thư chi bộ, già làng, người có uy tín trong thôn, hội viên nòng cốt, thành viên tổ truyền thông cộng đồng; thành lập 44 tổ truyền thông cộng đồng (đạt 66,7% tổng số chỉ tiêu giai đoạn 1 là 66 tổ); tổ chức 33 hoạt động nhằm thực hiện các chiến dịch truyền thông xoá bỏ định kiến giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; thành lập 16 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 15 địa chỉ an toàn tại cộng đồng.
Bà Phan Thị Hoà Bình - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Khánh Hoà
Đã có khoảng 3.000 người được tham gia và thụ hưởng từ các chương trình này. Ngoài ra, các cấp Hội còn thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" qua các trang điện tử của Hội LHPN tỉnh, zalo, facebook, fanpage…
PV: Khánh Sơn & Khánh Vĩnh là 2 huyện miền núi tỉnh Khánh Hòa, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Raglai… Đối với phụ nữ và trẻ em DTTS, Hội LHPN tỉnh đã quan tâm đến đối tượng này như thế nào, thưa bà?
Bà Phan Thị Hoà Bình: Huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là 2 huyện nghèo của tỉnh. Để góp phần thực hiện mục tiêu đưa 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025, đồng thời để thực hiện thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN tỉnh đã luôn chú trọng các hoạt động tuyên truyền, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Song song đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại đây.
Hội LHPN tỉnh Khánh Hoà cũng luôn theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ và đánh giá quá trình thực hiện Dự án 8 ở cơ sở huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.
Hội LHPN tỉnh Khánh Hoà trao học bổng cho trẻ em mồ côi trong tỉnh
PV: Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án 8 có những khó khăn gì thưa bà?
Bà Phan Thị Hoà Bình: Khi triển khai Dự án 8, không ít cán bộ tham mưu thực hiện Dự án của Hội LHPN các cấp còn nhiều lúng túng trong cách hiểu và triển khai thực hiện, do đó phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động.
Để khắc phục những khó khăn, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Khánh Hoà tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ Hội về các nội dung Dự án; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số, nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho già làng, người có uy tín; xây dựng tài liệu truyền thông, tài liệu xây dựng các mô hình truyền thông…
Nguồn:https://phunuvietnam.vn/khanh-hoa-uu-tien-thuc-hien-binh-dang-gioi-voi-phu-nu-va-tre-em-dan-toc-thieu-so-bi-bao-hanh-xam-hai-20231011172730272.htm