Cho và nhận

hlhpn.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ tư, 29/1/2025 ]

Cho và nhận là hai vế song hành của hầu hết các mối quan hệ trong cuộc sống. Một phía CHO và một phía NHẬN. Mỗi người chúng ta đều đóng cả hai vai, có khi nhận nhưng cũng có khi cho. Không ai luôn luôn cho và cũng không ai luôn luôn nhận (trừ một số trường hợp đặc biệt). Cho và nhận phải hài hòa, cân đối. Nhà thơ Tố Hữu có câu thơ rất hay: “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Ai chỉ muốn nhận mà không cho người khác cái gì cả là người ích kỷ, trước sau cũng bị xa lánh. Winston Churchill có một câu nói rất hay: “Chúng ta tồn tại nhờ những gì ta nhận nhưng chúng ta sống nhờ những gì cho đi”.

Bạn muốn ở phía nào: cho hay nhận?

Tôi thì thích ở phía cho hơn. Vì mấy lí do sau:

1. Mình có gì đó để cho người khác đó là do trời ban cho mình, đó là một diễm phúc! Điều này sướng gấp nhiều lần mình không có, phải đi nhận sự giúp đỡ từ người khác. Khi đó người khác nghĩ rằng mình là người giàu có. Đúng như Erich Fromm nói: “Người giàu có không phải là người có nhiều, mà là người cho nhiều”.

2. Khi cho người khác là mình đã làm phúc, đó là nhân tốt để có quả lành!

3. Khi cho người khác là mình đã giúp đỡ họ, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho họ. Khi người khác nhận từ mình cái gì đó mà họ không có, họ đang cần thì họ tiếp nhận với sự trân trọng và sung sướng.

4. Khi cho người khác một thứ gì đó thì mình nhận được sự tôn trọng, biết ơn của người nhận và tâm lý của mình rất vui vì đã làm một việc có ý nghĩa. Friedrich Nietzsche có câu nói rất sâu sắc: “Người không thể cho đi bất cứ thứ gì thì cũng không thể cảm nhận bất cứ điều gì”.

5. Người cho phải cảm ơn Trời Phật đã cho mình có phúc phận tốt nên mới có để cho người khác về tiền bạc, cơ hội, tình cảm…

Trong cuộc sống hàng ngày có rất nhiều mối quan hệ Cho – Nhận:

Cha mẹ cho con; vợ chồng cho nhau; người yêu cho nhau; thầy cho trò; lãnh đạo cho nhân viên; người giàu giúp người nghèo; người có giúp người khó; người khỏe mạnh giúp người đau ốm; giúp đỡ người già, neo đơn, tàn tật, phụ nữ, trẻ em… Tất cả đều là hai vế của một vấn đề: tình người, tính nhân văn, tính xã hội của cuộc sống.

Có rất nhiều trường hợp “cho và nhận” ở mọi lĩnh vực cuộc sống.

Nói đơn giản nhất là sáng sớm mai mình đi taxi hoặc xe ôm giá 40k, nhưng khi trả tiền mình đưa 50k với thái độ vui vẻ nói: “Khỏi thối lại, chúc anh ngày nay may mắn!” Tài xế sẽ rất vui vì mình mở hàng xởi lởi, tạo cho người ta một tâm lý vui vẻ và hi vọng cho một ngày lao động vất vả. Tuy chỉ có 10k thôi nhưng nó có tác dụng và ý nghĩa lớn…

Một ví dụ khác quan trọng hơn là mình cho máu khi một người khác đang phẫu thuật cần máu. Khi đó, việc cho máu có ý nghĩa vô cùng lớn lao là cứu sống một mạng người! Tôi rất tâm đắc với một khẩu hiệu rất hay của Hội Chữ thập đỏ: “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại!

Một điều cần lưu ý là thái độ cho và nhận phải đúng đắn, có văn hóa. Các cụ dạy rằng: “Của cho không bằng cách cho”. Người cho phải chân thành và tôn trọng người nhận trong cử chỉ, lời nói. Khi cho đừng nghĩ là mình ban ơn cho người khác và cũng đừng kể lể. Đừng mong người nhận một ngày nào đó sẽ báo đáp lại cho mình. Thường thì không mấy khi người nhận báo đáp trực tiếp người cho mà theo quy luật vòng quay của luật nhân quả: A giúp B thì sẽ có C giúp lại A. Trong đó, C có thể là người khác, hoặc cũng có thể là Trời. Ta thường nghe nói: Trời có mắt; Trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả. Do đó, không ai dám nói rằng tôi có đủ mọi thứ. Người thông minh nhất thế kỷ XX là Einstein mà cũng thừa nhận rằng sự ngu dốt của con người là vô hạn. Giàu như Thạch Sùng mà vẫn còn thiếu mẻ kho mà!

Ngược lại, cũng có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nghĩa là người nhận phải trân quý những gì người khác cho mình, giúp mình, nhất là trong lúc gặp khó khăn, hoạn nạn. Và phải ghi nhớ công ơn của người đã giúp mình chứ không như một số kẻ vong ân bội nghĩa “ăn cháo đá bát”, “qua cầu rút ván”. Trong thực tế đã có nhiều trường hợp như thế. Dân gian đã đúc kết thành chuyện ngụ ngôn: “Cứu vật, vật trả ân; cứu nhân, nhân trả oán”. Đó là hành động của những kẻ thiếu hoặc không có văn hóa.

Biết cho và biết nhận là một nét văn hóa đẹp. Princess Elizabeth nói một câu rất hay rằng: “Hạnh phúc thay những người có thể không cần nhớ khi cho và không thể quên khi nhận”.

Tóm lại, tôi thích đứng về phía CHO, và luôn ước trời cho mình có nhiều thứ để đi giúp người khác, ví dụ cho mình trúng viettlot trăm tỷ! Còn bạn thì sao?

                                                                                       Nguyễn Tiến Lợi