Vượt Vũ môn, Cá chép hóa Rồng
Năm 2023 được đánh giá là năm của những ấn tượng. Tùy vào lứa tuổi, công việc, cương vị công tác, mỗi người có những ấn tượng khác nhau. Báo chí thường có những tổng kết, nhận định về các sự kiện nổi bật trong năm. Nhưng ấn tượng về một nhịp sống hối hả, chạy đua với thời gian, làm nên những thành tựu mới, xác lập một dấu mốc mới, thì có thể khái quát trong cụm từ: Ổn định và phát triển.
Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nhận định: Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo, nhưng nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của Đảng; sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Trong sáu tháng cuối năm, hai nguyên thủ quốc gia của hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam - Trung Quốc đã nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện, Xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai. Việt Nam - Mỹ nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Việt Nam - Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Cùng với các sự kiện quan trọng khác, khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao; khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của chúng ta: Độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa ngày càng gia tăng và trở thành xu hướng chủ đạo. Xu hướng ấy bất chấp sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, cực đoan. Nền kinh tế toàn cầu đã trở thành nền kinh tế tri thức với vai trò dẫn dắt chủ đạo của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư. Thế nhưng không tránh được những bất trắc, thăng trầm, nhất là gần đây, cuộc xung đột Nga - Ukraine, cuộc chiến Israel-Hamas, là những dấu hiệu bất ổn trong bức tranh chính trị thế giới đa sắc màu, phức tạp và biến động. Vì lẽ đó, Việt Nam tích cực ủng hộ việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Văn minh toàn cầu; nhằm bảo vệ lợi ích chung của toàn nhân loại, vì sự nghiệp hòa bình, chính nghĩa và tiến bộ của nhân dân thế giới.
Về phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta vui mừng nhận thấy, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Theo Dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tăng trưởng năm 2023 của cả nước đạt hơn 5%, tuy thấp hơn chỉ tiêu đề ra, nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. “Phi nông bất ổn”, ngành Nông nghiệp đóng vai trò cứu cánh trong nền kinh tế nước ta, đóng góp hơn 9,2% vào tăng trưởng chung. “Phi công bất phú”, sau hai năm kiên cường chống chọi với đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp từng bước hoạt động trở lại. Năm qua, đã có hơn 201.500 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 3,5% so với năm trước.
Đặc biệt, chúng ta đã có cơ hội lớn về phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn. Các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đã có chiến lược hợp tác với Việt Nam. Cả nước hiện có khoảng 5.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực này, đó là “vốn” quý về nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, Việt Nam tăng cường hợp tác đầu tư với các đối tác lớn trong các lĩnh vực như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng, kinh tế số, phát triển xanh...
Tết đến, Xuân về, ôn cố tri tân. Lại nhớ Nguyễn Trãi xưa từng nói: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (Lật thuyền mới biết sức dân như nước). Lại nhớ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, trước khi mất hai tháng, đã tâu với vua Trần Anh Tông: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. Điều ta hiểu biết chính là điều ta đã trải qua. Tìm về những giá trị lịch sử dân tộc để phát hiện quy luật, giúp thế hệ hôm nay không những nhận thức được quá khứ mà còn chuẩn bị cho những khả năng dự báo. Như vậy, lịch sử luôn là một dòng chảy liên tục. Lòng dân yêu nước thương nòi luôn là những giá trị vĩnh hằng, gạn đục khơi trong và kết tinh những giá trị mới.
Trong những năm qua, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, chúng ta đã đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó trọng tâm là chống tham nhũng, tiêu cực. Mặc dù công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, thế nhưng còn tiếp tục phải đẩy mạnh hơn nữa, kiên quyết, kiên trì hơn, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói: “Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc”.
Nạn tham nhũng, quan liêu và nhiều biểu hiện tiêu cực khác khiến cho niềm tin của Dân với Đảng giảm sút. Tình trạng cán bộ có chức quyền xa rời quần chúng có lúc có nơi nghiêm trọng hơn. Họ đã làm sai lệch đường lối về quần chúng, cho nên trong mắt quần chúng cũng không còn hình ảnh đẹp của những người luôn muốn thu nhỏ hình bóng của mình, đi trước về sau thiên hạ. Vì vậy, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là giải pháp vô cùng quan trọng để xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh, trong sạch; tìm người tài đức để quy hoạch đội ngũ cán bộ chiến lược và cán bộ các cấp. Đây là công việc hệ trọng, phải có “con mắt tinh đời”, bởi người tài đức thường khiêm tốn, nhận rõ cái hữu hạn của mình, còn người háo danh, ham chức, thường cơ hội và rất tự tin bởi không thấy cái hữu hạn, cái dở của mình.
Còn hai năm nữa chúng ta sẽ tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng và tổng kết 40 năm Đổi mới. Thời cơ lớn đang đến khi cánh cửa Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã rộng mở. Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng toàn cầu này là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, đó là định hướng, là giải pháp, là cơ hội để Việt Nam bứt phá đi lên.
Đổi mới tư duy và hành động cũng chính là yêu cầu đặt ra đối với ngành Tuyên giáo trong thời kỳ mới; thực hiện tốt hơn nữa vai trò “đi trước mở đường”. Sức thuyết phục của công tác tuyên giáo là ở chỗ có tính chiến đấu, tính giáo dục, thuyết phục cao, luôn gắn chặt và bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, giải đáp đúng và trúng những vấn đề đặt ra trong công tác tư tưởng của Đảng và trong đời sống xã hội. Người làm công tác tuyên giáo phải là “người có sức ảnh hưởng”, luôn nêu gương, sắc sảo mà chắc chắn, nói những điều quan trọng bằng những lời nhẹ tênh. Nhà tư tưởng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không để ngọn lửa đam mê “nghề” chập chờn trước cơn bão danh và lợi.
Năm 2024 - năm Rồng. Hi vọng một năm tràn đầy năng lượng mới, với những bứt phá mạnh mẽ. Câu chuyện cổ tích bao đời nay thôi thúc chúng ta vững vàng, can đảm, quyết vượt mọi khó khăn, thử thách, vượt Vũ môn, Cá Chép hóa Rồng!
Nguồn https://www.tuyengiao.vn/vuot-vu-mon-ca-chep-hoa-rong-152473