Các cấp Hội Phụ nữ thị xã Ninh Hòa: Hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật
Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đã thực hiện nhiều chương trình đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để hỗ trợ phụ nữ khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.
Dạy nghề thủ công
Lớp học nghề đan móc thủ công do Hội Phụ nữ xã Ninh Quang phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa tổ chức có 10 học viên là phụ nữ khuyết tật về vận động. Tuy đi lại khó khăn nhưng các học viên đều chăm chỉ đến lớp mỗi tuần 2 lần. Trong 2 tháng rưỡi tham gia khóa học, các học viên được giáo viên hướng dẫn đan, móc để làm thành các sản phẩm như: Ví, túi xách, mũ, giỏ đựng bình nước uống, hoa văn trang trí… Bà Đỗ Thị Thùy (sinh năm 1987, trú thôn Thuận Mỹ) cho biết, lúc 5 tháng tuổi bà bị sốt bại liệt, để lại di chứng cong vẹo cột sống, chân vẹo. Nhà không có ruộng nên hàng ngày vợ chồng bà bươn chải kiếm tiền nuôi con. Bà đi làm nem với thu nhập 150.000 đồng/ngày để phụ giúp gia đình. Khi biết có lớp học nghề đan móc, bà tranh thủ sắp xếp thời gian vừa học vừa làm vì muốn có thêm nghề để nuôi sống bản thân, lo cho gia đình.
Còn bà Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1969, trú thôn Tân Quang) bị 2 bàn chân co quắp bẩm sinh. Sau gần 40 năm làm giúp việc nấu ăn cho các gia đình, bà xin nghỉ vì chân ngày càng yếu. Là học viên lớn tuổi nhất lớp, tiếp thu có phần chậm hơn, nhưng bà cố gắng học nghề vì thấy phù hợp với sức khỏe. Bà dự định học xong sẽ làm các sản phẩm để bán.
Cô Hồ Thị Hồng Hà - giáo viên Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa cho biết, cô đã tham gia dạy nghề thêu, đan móc thủ công cho phụ nữ khuyết tật ở các xã, phường như: Ninh Đa, Ninh Trung, Ninh Diêm, Ninh Thủy, Ninh Quang, Ninh Bình… từ năm 2013 đến nay. Học viên được học miễn phí và hưởng các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định. Việc học nghề không chỉ hỗ trợ phụ nữ khuyết tật có điều kiện kiếm thêm thu nhập, mà còn giúp chị em tự tin, hòa nhập với cộng đồng tốt hơn.
Nhiều hoạt động hỗ trợ
Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn thị xã đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khuyết tật. Tại xã Ninh Quang, Hội Phụ nữ xã đã kết nối, giới thiệu việc làm cho 22 phụ nữ khuyết tật vào làm ở các cơ sở đan mây, tre, lá và công ty chế biến thủy sản. Hiện nay, hội kết nối với các cửa hàng ở TP. Nha Trang để nhận gia công các sản phẩm đan móc thủ công giúp phụ nữ khuyết tật có việc làm sau khi học xong và lập fanpage đăng bán các sản phẩm của hội viên. Trong khi đó, Hội Phụ nữ phường Ninh Đa đã liên kết với các cửa hàng bán lẻ trong chợ để bày bán sản phẩm do phụ nữ khuyết tật làm như: Túi đựng bình nước, kẹp tóc, mũ, ví… Tại xã Ninh Trung, sau khi tổ chức lớp dạy nghề đan móc thủ công vào năm 2022, Hội Phụ nữ xã thường xuyên hỗ trợ bán các sản phẩm handmade do hội viên khuyết tật làm ra. Bà Huỳnh Thị Huê (sinh năm 1975, trú thôn Phú Văng) cho biết, bà không may trở thành người khuyết tật sau tai nạn giao thông. Nhờ học đan móc thủ công, bà đã làm được ví, túi xách để bán kiếm tiền phụ giúp gia đình ngoài thời gian nội trợ. Mỗi tháng, bà bán được 2 - 3 sản phẩm với giá 150.000 - 200.000 đồng/sản phẩm. Bên cạnh giới thiệu cho bạn bè, người quen, bà còn gửi Hội Phụ nữ xã bán giúp.
Ngoài hỗ trợ hội viên khuyết tật học và làm nghề đan lát, Hội Phụ nữ phường Ninh Giang còn giúp chị em tiếp cận các nguồn vốn vay. Gia đình thuộc hộ nghèo, một mình nuôi con nhỏ, bản thân bị khuyết tật ở chân nên bà Lê Thị Út (sinh năm 1978, trú Tổ dân phố Phong Phú 1) gặp nhiều khó khăn. Sau khi được hội hỗ trợ vay 30 triệu đồng, bà học nghề trang điểm, mở tiệm làm tóc, lấy mỹ phẩm và hàng hóa về bán, mua vải may quần áo cho thuê… Nhờ đó, đời sống dần ổn định hơn và bà chủ động xin thoát nghèo vào năm 2021.
Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Diễm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Ninh Hòa, thời gian tới, các cấp hội tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề, trao phương tiện sinh kế giúp hội viên khuyết tật có điều kiện nuôi sống bản thân, tự tin hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, tìm cách tháo gỡ khó khăn trong việc tìm đầu ra các sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho chị em. Hội cũng mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ để thời gian học nghề được dài hơn, giúp chị em nâng cao tay nghề, làm ra những sản phẩm tinh xảo, dễ tiếp cận với thị trường.
Bà Nguyễn Hoàng Vân Hạ - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ ở Ninh Hòa đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho hội viên khuyết tật phù hợp với nhu cầu và tình hình của địa phương. Để làm tốt hơn công tác này, các cấp hội cần tập trung kết nối với các đơn vị sản xuất, cửa hàng tìm đầu ra cho sản phẩm để hội viên có việc làm, phát huy năng lực, vươn lên ổn định cuộc sống.
Châu Tường