Ý nghĩa mô hình “Cặp lá yêu thương”
Thông qua mô hình “Cặp lá yêu thương”, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn TP. Nha Trang đã và đang giúp đỡ nhiều phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đây là mô hình có ý nghĩa nhân văn, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên.
\"Lá lành đùm lá rách\"
Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Vĩnh Hòa (Nha Trang) đang duy trì 7 “cặp lá” theo hình thức phụ nữ giúp phụ nữ, phụ nữ giúp trẻ em; mô hình được hội thực hiện từ năm 2022 đến nay. Theo đó, một phụ nữ khá sẽ giúp một phụ nữ hay trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trong thời gian ít nhất là 18 tháng. Trong căn phòng thuê chỉ vọn vẹn 12m2, bà Đỗ Minh Nguyệt (trú Tổ dân phố 11 Hòa Trung, phường Vĩnh Hòa) sống cùng con gái 9 tuổi và mẹ già 76 tuổi. Gia đình bà Nguyệt thuộc hộ cận nghèo, bản thân bà bị bệnh động kinh. Ngoài khoản trợ cấp hàng tháng 750.000 đồng dành cho người khuyết tật, hàng ngày, bà đi nhặt phế liệu kiếm tiền lo cho gia đình. Sức khỏe yếu lại đau ốm thường xuyên nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Biết được hoàn cảnh của bà Nguyệt, nên khi Hội LHPN phường triển khai mô hình “Cặp lá yêu thương”, bà Đỗ Thị Liên (Tổ dân phố 11 Hòa Trung) đã nhận giúp đỡ. Trong 2 năm qua, bà Liên hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng để bà Nguyệt có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Ngoài ra, bà Liên còn tặng gạo, quần áo, hỗ trợ sách vở cho con gái bà Nguyệt, thăm hỏi lúc ốm đau…
Bà Đỗ Thị Liên (bên phải) trao tiền hỗ trợ cho bà Đỗ Minh Nguyệt.
Mô hình \"Cặp lá yêu thương\" được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vĩnh Hòa thực hiện theo hình thức phụ nữ giúp phụ nữ, phụ nữ giúp trẻ em.
Lan tỏa yêu thương
Hàng năm, Hội LHPN phường Phước Hải (Nha Trang) vẫn duy trì đều đặn mô hình “Cặp lá yêu thương”. Hội vận động kinh phí từ mạnh thường quân và hội viên các chi hội để mua gạo hỗ trợ hàng tháng cho gia đình các hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo, trẻ em mồ côi; mỗi suất trị giá từ 300.000 đồng trở lên. Hiện nay, hội đang hỗ trợ cho 3 gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và 1 trẻ mồ côi với mức 15kg gạo/hộ/tháng. Trong năm 2024, hội hỗ trợ tổng cộng 720kg gạo, trị giá 18 triệu đồng. Bên cạnh đó, các chi hội phụ nữ trên địa bàn phường cũng thực hiện hỗ trợ 6 gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với mức 10kg gạo/hộ/tháng.
Tại phường Phước Long, mỗi năm, các cán bộ, hội viên Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố 1 Phước Trung dùng tiền tiết kiệm nuôi heo đất để hỗ trợ cho 1 trẻ em với mức 300.000 đồng/tháng. Từ năm 2021 đến nay, chi hội đã hỗ trợ cho 4 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, hội LHPN các xã, phường khác trên địa bàn thành phố cũng triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Cặp lá yêu thương” như: Vĩnh Lương, Phương Sài, Xương Huân, Vĩnh Thạnh, Phước Hòa, Vĩnh Thọ, Tân Lập, Vạn Thắng, Phương Sơn…
Mỗi năm các cán bộ, hội viên Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố 1 Phước Trung, phường Phước Long nhận hỗ trợ cho 1 trẻ em.
Theo bà Lê Thị Bích Huyền - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Nha Trang, từ năm 2021 đến nay, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn thành phố đã triển khai và duy trì tốt mô hình “Cặp lá yêu thương”, với mức hỗ trợ từ 300.000 đồng/tháng trở lên. Tùy từng hoàn cảnh, các đơn vị có thể hỗ trợ tiền mặt, nhu yếu phẩm hay sách vở, đồ dùng học tập. Đến nay, các cấp hội đã thực hiện được 68 “cặp lá” hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền hơn 900 triệu đồng. Mô hình đã giúp đỡ phần nào cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần vào công tác an sinh xã hội của địa phương.
Bà NGUYỄN HOÀNG VÂN HẠ - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Các cấp Hội LHPN trên địa bàn TP. Nha Trang đã thực hiện nhiều mô hình hay để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, mô hình “Cặp lá yêu thương” đã mang lại hiệu quả thiết thực. Thời gian tới, các cấp hội cần tiếp tục vận động nhiều nguồn lực để kịp thời hỗ trợ cho những trường hợp cần giúp đỡ.
Hòa Trang