Chị Tro Thị Hợp - Điển hình trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp
Ghé vào ngôi nhà khang trang của chị Tro Thị Hợp, chúng tôi vô cùng cảm phục trước tinh thần vượt khó vươn lên của chị. Chị Hợp cho biết: chị xuất thân trong một gia đình nghèo khó, đông anh chị em, năm 2009, sau khi lập gia đình, là con gái út trong gia đình, theo phong tục vợ chồng chị ở cùng bố mẹ. Do điều kiện kinh tế quá khó khăn, thiếu vốn làm ăn nên thời gian đầu gia đình thường xuyên túng thiếu. Vợ chồng chị phải đi làm thuê giành dụm từng đồng và từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội chị mượn thêm 12 triệu đồng để làm chuồng trại và mua heo giống. Cuộc sống càng chật vật hơn khi chồng chị tham gia lớp Đại học tại Nha Trang, trong khi đó chị còn đứng ra nuôi, chăm sóc 3 đứa cháu nhỏ, con của chị gái (bị tâm thần) mọi chi phí ăn học cho chồng, chăm lo cho gia đình, cha mẹ một tay chị gồng gánh.
Quyết không cam chịu đói nghèo, chị Hợp luôn trăn trở tìm cách làm ăn phát triển kinh tế gia đình. Với đức tính cần cù, chịu khó, từ 4 con heo giống ban đầu, chị Hợp đã phát triển đàn heo lên vài chục con và cung cấp giống cho hội viên trong xóm. Bên cạnh đó, chị cũng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật và chăm sóc cây trồng, vật nuôi, trên mảnh vườn sẵn có của gia đình với 1 ha vườn nhà chị trồng cà phê, sầu riêng, quýt đường hồ tiêu và 1 ha vườn rừng trồng keo. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, chị trồng xen canh các loại cây ngắn ngày, cây hằng năm với cây lâu năm trong những năm đầu.
Từ mô hình làm vườn và chăn nuôi heo đã giúp vợ chồng chị Hợp tích lũy được một số vốn ban đầu. Để phát triển mô hình kinh tế tổng hợp cho gia đình, chị Hợp còn bàn với chồng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư mở rộng diện tích trồng cây sầu riêng và đầu tư 1 tiệm tạp hóa nhỏ. Với sự nỗ lực chăm chỉ làm ăn, dần dà kinh tế gia đình chị Hợp cũng đã được xếp vào hàng khá ở địa phương với mức thu nhập bình quân khoảng hơn 100 triệu mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu. Chị Hợp cho biết “Lúc đầu bản thân tôi cũng rất bỡ ngỡ do không biết kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Từ khi tham gia các lớp tập huấn do các tổ chức hội phối hợp tổ chức, tôi mới nắm được kiến thức khoa học kỹ thuật rồi về áp dụng vào sản xuất của gia đình mới thấy có hiệu quả. Bên cạnh đó, tôi cũng được tổ chức hội tạo điều kiện vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội và tham gia các lớp tập huấn về khởi nghiệp”.
Đầu năm 2018, vợ chồng chị Hợp xây được ngôi nhà cấp 4 khang trang với diện tích 100m2 kinh doanh thêm mặt hàng rượu cần, bán hàng online để tăng thu nhập cho gia đình. Chị cho biết thêm, hiện nay chồng chị đã có công ăn việc làm ổn định tại UBND xã, con cháu được chị nuôi ăn học đến nơi đến chốn, kinh tế gia đình phát triển ổn định, được chồng và các con ủng hộ, chị Hợp có điều kiện làm tròn vai trò, trách nhiệm của một Chi hội trưởng phụ nữ thôn.
Trên cương vị Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Chi Chay, chị Hợp luôn nỗ lực lao động, sản xuất, không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, mà đó chính là giải pháp hữu hiệu nhất để tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ trong thôn tận dụng tiềm năng đất đai, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật và chăm sóc cây trồng, vật nuôi, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, phát huy tinh thần tự lực tự cường, từng bước vươn lên thoát nghèo. Từ những kiến thức về các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, cũng như kinh nghiệm làm ăn của bản thân, chị Hợp luôn nhiệt tình chia sẻ cho hội viên trong thôn làm theo.
Hiện nay, Chi hội phụ nữ thôn Chi Chay có 60 hội viên, nhưng trong đó có hơn 50 hội viên nằm trong danh sách hộ nghèo. Để giúp chị em phụ nữ vươn lên trong cuộc sống, ngoài vận động chị em vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, chị còn vận động chị em trong thôn tham gia tiết kiệm xoay vòng giúp nhau không tính lãi. “Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo trong thôn. Được sự tuyên truyền của chị Hợp tôi đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi của ngân hàng để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng căn nhà mới để ở. Gia đình tôi cũng mạnh dạn đăng ký phấn đấu tự thoát nghèo trong năm 2019, mình còn trẻ mà cứ nghèo mãi thì xấu hổ lắm”, chị Mấu Thị Đào, thôn Chi Chay, xã Sơn Trung chia sẻ.
Nhận xét về chị Tro Thị Hợp, chị Mấu Thị Lệ Thu - Chủ tịch Hội LHPN huyện Khánh Sơn nhận xét: Chị Hợp vừa là Chi hội trưởng phụ nữ năng động, tích cực và nhiệt tình trong công tác Hội, vừa là điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Tấm gương của chị Hợp và mô hình kinh tế của gia đình chị được các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn xem như một điển hình để giới thiệu nhiều chị em cùng học hỏi và làm theo.
Nguyễn Kim