Ban Điều hành Đề án 938 tỉnh sơ kết 03 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2019” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

hlhpn.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ sáu, 22/11/2024 ]

Ngày 24/12/2019, Ban Điều hành Đề án 938 tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 03 thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2019” (gọi tắt là Đề án 938) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Quỳnh Nga - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Trưởng Ban Điều hành Đề án 938 và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; Thành viên, Tổ giúp việc Ban Điều hành Đề án 938 cấp tỉnh, cấp huyện; Thành viên tham gia Góc tư vấn; đại diện các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 03 năm triển khai thực hiện Đề án 938.

SO KET DE AN 938 1.JPG (112 KB)

Với vai trò là Trưởng Ban Điều hành Đề án 938 cấp tỉnh, Hội LHPN tỉnh đã ban hành Quy chế hoạt động của Ban Điều hành và tổ giúp việc Đề án 938. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, đơn vị đã gắn việc thực hiện các nội dung của Đề án với các nhiệm vụ của đơn vị, thường xuyên phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức các hoạt động liên quan đến nội dung Đề án; Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động nỗ lực tham mưu UBND cấp huyện ban hành Quyết định thực hiện Đề án 938 giai đoạn 2017 - 2027 và được UBND huyện cấp kinh phí thực hiện Đề án 938 trên địa bàn huyện. Hội Phụ nữ cơ sở cũng đã chủ động tham mưu, phối hợp với chính quyền, các ngành xây dựng nội dung tổ chức thực hiện Đề án.

Các Sở, ngành liên quan thực hiện Đề án đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai Đề án 938 lồng ghép trong thực hiện các Đề án, Chương trình, kế hoạch đang thực hiện, ngoài kinh phí hoạt động được cấp riêng của Đề án, các đơn vị đã chủ động lồng ghép vào nguồn kinh phí của ngành. Khai thác từ các nguồn kinh phí khác nhau tổ chức nhiều hoạt động các nội dung của Đề án khá phong phú. Qua đó, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao… phối hợp với Đài Phát Thanh-Truyền hình và Báo Khánh Hòa thực hiện 12 chuyên mục, phóng sự, chương trình “Phụ nữ và Cuộc sống” về các nội dung: Mất cân bằng giới tính khi sinh; vai trò phụ nữ trong trong công tác dân số-KHHGĐ; chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng khó khăn vùng sâu vùng xa, hệ lụy của phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên; phòng, chống bạo lực gia đình; An toàn thực phẩm; Kiến thức cho cha mẹ trong chăm sóc nuôi dạy con; Phụ nữ với pháp luật…, đăng tải 45 tin, bài tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, Báo Khánh Hòa; Tổ chức 93 lớp tập huấn, truyền thông phổ biến giáo dục pháp luật, an toàn thực phẩm, kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, lồng ghép giới trong truyền thông... cho 5.572 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân tại cộng đồng; Tổ chức 32 buổi trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và các đối tượng chính sách, người nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.

Chủ đề hàng năm của Đề án được tập trung thực hiện thống nhất từ trung ương đến cơ sở, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của người dân về “An toàn thực phẩm”, “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em”. Hội LHPN tỉnh tổ chức lễ phát động “Phụ nữ Khánh Hòa chung tay thực hiện an toàn thực phẩm” và nói chuyện chuyên đề “An toàn thực phẩm với sức khỏe cộng đồng”; phối hợp với Chi cục ATVSTP tỉnh, Chi cục quản lý chất lượng Nông - Lâm - Thủy sản tỉnh và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tổ chức 15 lớp tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm cho 630 tuyên truyền viên, hội viên nòng cốt. Theo đó, các huyện, thị, thành Hội tổ chức các buổi Lễ phát động với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực như: Lễ phát động“Cam kết thực hiện an toàn thực phẩm trong chế biến, trồng trọt, chăn nuôi”, “Hãy làm cho thức ăn an toàn từ nông trại đến mâm cơm”, “An toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến - hãy hành động ngay”, “Phụ nữ Ninh Hòa chung tay đẩy lùi thực phẩm bẩn trong sản xuất, kinh doanh”; tổ chức hội thi “Tìm hiểu kiến thức về ATTP”, Hội chợ ẩm thực vì sức khỏe cộng đồng; tổ chức ký cam kết buôn bán, sử dụng thực phẩm sạch giữa các câu lạc bộ, tổ phụ nữ an toàn thực phẩm; phát động thực hiện mô hình “Vườn rau gia đình”; vận động các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống và chế biến thực phẩm trên địa bàn ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Các cấp Hội chủ động, phối hợp với các ngành tổ chức các hoạt động theo từng chủ đề phù hợp với đặc thù địa phương như tổ chức 426 lớp tập huấn, truyền thông, phát 300 tờ rơi; vận động hội viên phụ nữ sản xuất, kinh doanh thực phẩm ký cam kết thực hiện ATVSTP… với sự tham gia của 54.746 lượt cán bộ, HVPN; hướng dẫn 1.310 hộ kinh doanh mua các loại thực phẩm phải có sổ ghi chép nguồn gốc rõ ràng, lưu trữ mẫu thức ăn, vận động hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống và chế biến thực phẩm ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; vận động 40.148/49.810 (80,6%) hội viên sản xuất, kinh doanh nông sản đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; phối hợp kiểm tra thực phẩm tại 34 cơ sở sản xuất, chế biến, buôn bán thực phẩm và các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, qua kiểm tra các sơ sở, hộ kinh doanh thực hiện đúng quy định về VSATTP... góp phần thực hiện tốt vấn đề về ATTP cho du khách và người dân trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng trong việc nói không với thực phẩm bẩn, thực hiện trách nhiệm bảo đảm vệ sinh, an toàn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng thực phẩm vì chất lượng cuộc sống.

        Cùng với việc thực hiện chủ đề của Đề án năm 2019 “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em”gắn với chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung trọng tâm. Mỗi cơ sở Hội lựa chọn thực hiện từ 2 - 3 nội dung liên quan đến chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Qua đó, các cấp Hội tổ chức 663 lớp tập huấn, truyền thông cho 56.776 báo cáo viên, tuyên truyền viên, hội viên, phụ nữ về giáo dục pháp luật, kỹ năng phòng, chống bạo lực, gia đình, tổ chức cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc… Đồng thời, để bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em chống lại các hành vi xấu trong xã hội, đặc biệt là trẻ em gái, các cấp Hội chủ động phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhà trường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, tập trung hướng dẫn các em kỹ năng tự nhận biết và tự phòng tránh bảo vệ bản thân mình trước các hành vi xâm hại, phòng chống bạo lực học đường, đảm bảo an toàn cho trẻ em trong và ngoài trường học…

Hội LHPN tỉnh đã Thành lập Góc tư vấn hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững… Hình thức tư vấn: trực tiếp (điện thoại) và gián tiếp (Hỏi - đáp trên trang web của Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa: www.phunu.khanhhoa.gov.vn); Chỉ đạo điểm xây dựng 12 mô hình/CLB “Giáo dục cha mẹ nuôi dạy con tốt”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Phụ nữ với an toàn thực phẩm” thực hiện các nội dung của đề án, thông qua đó rút kinh nghiệm để chỉ đạo các cấp Hội nhân rộng các mô hình/CLB/ như phòng, chống bạo lực gia đình; can thiệp, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại; điểm tựa tin cậy trong phòng, chống bạo lực phụ nữ và trẻ em; phụ nữ với thực phẩm an toàn, đội truyền thông ATVSTP, thu mua và cung cấp rau sạch; tư vấn, trợ giúp pháp lý…

Bên cạnh đó, 137/137 cơ sở Hội tiếp tục kiện toàn các mô hình phù hợp với địa phương hướng tới mục tiêu mỗi cơ sở Hội có ít nhất 01 mô hình hiệu quả về hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ như mô hình Xây dựng gia đình hạnh phúc phát triển bền vững, Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, Phụ nữ lên tiếng Uống có trách nhiệm thực hiện an toàn giao thông… Từ đó các thành viên được chia sẻ, giao lưu, cung cấp các kiến thức, kỹ năng về nuôi dạy con tốt, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm…; bên cạnh việc “lên tiếng kịp thời”, Hội còn giám sát quá trình giải quyết vụ việc và hiệu quả can thiệp. Trong những năm qua các cấp Hội đã giải quyết kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại tình dục phát sinh từ cơ sở, không để xảy ra các trường hợp bạo lực, xâm hại tình dục nghiêm trọng mà Hội không lên tiếng.

Cùng với việc đánh giá, ghi nhận kết quả đạt được của đề án trong giai đoạn 2017 - 2019, Đ/c Lê Thị Mai Liên - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Điều hành Đề án 938 đề nghị các thành viên tham gia thực hiện Đề án cấp tỉnh, cấp huyện tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2020 của Đề án là “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em”, trên cơ sở chủ đề năm các thành viên tham gia thực hiện Đề án triển khai thực hiện phù hợp với nội dung trong phạm vi của đề án, nghiên cứu kế hoạch triển khai Đề án của cấp mình để chủ động tham mưu hoạt động kèm theo kinh phí thực hiện và thường xuyên thông tin kết quả triển khai thực hiện.

SO KET DE AN 938 2.JPG (117 KB)

SO KET DE AN 938 3.JPG (123 KB)

Nhân dịp này, Trưởng ban Điều hành Đề án 938 cấp tỉnh đã khen thưởng 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2019”.

Vân Hạ