Tình trạng rối nhiễu tâm lý ở tuổi dậy thì và biện pháp phòng tránh

hlhpn.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ tư, 04/12/2024 ]
Trong những năm gần đây, đời sống kinh tế, văn hóa xã hội ở nước ta có nhiều thành tựu, nhiều tiến bộ. Theo đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân càng được nâng lên. Hiện nay nước ta có cấu trúc dân số trẻ với khoảng 60%  đang ở độ tuổi vị thành niên. Đó là nguồn lực quý giá để xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, một vấn đề cần quan tâm là hiện tượng rối nhiễu tâm lý ở lứa tuổi dậy thì có chiều hướng gia tăng (chiếm khoảng 20%) đã gây nên sự lo lắng bức xúc trong xã hội.

hinh internet.jpg (40 KB)

        1. Các biểu hiện của rối nhiễu tâm lý

        1.1. Rối nhiễu tâm lý là gì ?

Rối nhiễu tâm lý được hiểu là một tình trạng sang chấn về mặt tâm lý khiến các em có những bất ổn về mặt tâm lý có thể kéo theo những khó khăn về thể chất hay thần kinh, các sang chấn này do những tác động từ bên ngoài gây ra và có thể phòng ngừa hay can thiệp để tìm lại sự cân bằng.

        1.2. Các biểu hiện rối nhiễu tâm lý

Những rối nhiễu tâm lý ở lứa tuổi vị thành niên thường biểu hiện ở những hành vi hay gây gổ, hay đánh nhau, đua xe, nói dối, lấy đồ đạc của bạn bè, ham mê cờ bạc, chơi game, chán học, bỏ nhà đi… Một số khác có biểu hiện hay lo âu, trầm cảm, nghiện hút và những rối loạn tâm thần trong học tập như stress, mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ … từ đó dẫn đến rối loạn nhân cách và hành vi. Hiện tượng rối nhiễu tâm lý xuất hiện ở tuổi dậy thì và ngày càng có xu hướng gia tăng trong các trường học. Đây là một thực trạng nhà trường và các bậc phụ huynh cần quan tâm, phát hiện và có hướng khắc phục kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra đối với các em và gia đình.

        2. Nguyên nhân của hiện tượng rối nhiễu tâm lý

Hiện tượng rối nhiễu tâm lý ở tuổi dậy thì có nhiều nguyên nhân cả trực tiếp và gián tiếp, về cơ bản những tác động chủ yếu ở các yếu tố sau:

        2.1 Nguyên nhân từ gia đình

Ngày nay, kiểu gia đình hiện đại (gia đình hạt nhân) phát triển mạnh mẽ, ngoài những ưu điểm mang tính lịch sử, xã hội như: tính phù hợp với thời đại công nghiệp, gọn nhẹ, tính dân chủ cao… thì kiểu tổ chức này tạo ra mối quan hệ trong gia đình lỏng lẻo, sự liên kết gắn bó giữa các thế hệ ông bà - cha mẹ - con cháu không chặt chẽ, vì ít có thời gian đoàn tụ gặp gỡ, chia sẻ các vấn đề về gia đình và cuộc sống. Trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều cách ứng xử cực đoan đối với các em, hoặc là cha mẹ quá nuông chiều con, đáp ứng mọi yêu cầu đòi hỏi của con, hoặc là quá khắt khe, hay la mắng thậm chí chửi bới con cái, cha mẹ bắt con suốt ngày ở trong nhà không cho tiếp xúc với bạn bè, không cho tham gia các hoạt động của đoàn thể và xã hội. Bên cạnh đó một số gia đình cha mẹ bất hòa hay cãi nhau thậm chí dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, những trường hợp cha mẹ ly dị hoặc gia đình có những biến cố bất thường... đã gây cho các em sự hoang mang, thiếu niềm tin vào cuộc sống và dễ bị tổn thương về mặt tinh thần. Hơn nữa, do yêu cầu của công việc, cha mẹ lo lắng làm ăn phát triển kinh tế nên ít quan tâm đến cuộc sống tình cảm, ít gần gũi tâm sự với các em nên chưa hiểu hết, chưa chú ý lắng nghe tâm tư nguyện vọng và chia sẻ  giúp con cái giải quyết những khó khăn vướng mắc về tâm lý mà các em không tự giải quyết được.

        2.2. Nguyên nhân từ phía nhà trường

Hiện nay chương trình học trong các trường phổ thông quá tải, hơn nữa bệnh thành tích của các trường và ngành giáo dục đã tạo áp lực khá lớn cho học sinh làm các em mệt mỏi căng thẳng. Phần lớn các trường thiếu không gian sinh hoạt vui chơi giải trí, phương tiện hoạt động còn nghèo nàn nên các hoạt động sinh hoạt tập thể còn rất hạn chế chưa tạo ra được sân chơi phong phú để các em phát huy khả năng sở trường của mình.

Hầu hết các trường phổ thông chưa chú ý đến các biện pháp hỗ trợ tâm lý, việc vận dụng khoa học tâm lý - giáo dục trong nhà trường còn hạn chế, chưa thực sự hiệu quả trong khi nhu cầu của các em lại rất lớn. Mặt khác, bộ phận y tế học đường chưa đảm nhận được chức năng tư vấn tâm lý và sức khỏe cho các em.

Bên cạnh đó một số giáo viên ít quan tâm, gần gũi học sinh, chưa kịp thời uốn nắn những hành vi lệch chuẩn của học sinh. Đôi lúc có hiện tượng giáo viên chưa thật sự nêu gương về đạo đức, cách ứng xử có văn hóa để học sinh noi theo, thậm chí có giáo viên thể hiện cách ứng xử không đúng, xúc phạm học sinh khiến các em bị tổn thương... Trong nhà trường chưa phát huy hết vai trò của các đoàn thể, việc tổ chức sinh hoạt tập thể, ngoại khóa hình thức và nội dung còn nghèo nàn chưa thu hút được học sinh tham gia đông đảo.

        2.3. Ảnh hưởng từ môi trường xã hội

Chúng ta đang sống trong thời điểm xã hội có những biến đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy có nhiều tiến bộ đáng mừng nhưng mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động tiêu cực đến nhận thức và hành vi của các em, hệ quả là một bộ phận ở độ tuổi dậy thì nhiễm lối sống ích kỷ, buông thả, đua đòi, thích hưởng thụ.

Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh dẫn đến không gian sinh hoạt, giải trí của các em bị thu hẹp, vì vậy nhiều em vùi đầu vào Internet và các trò chơi điện tử nên có biểu hiện sống ảo, thích bạo lực, sống buông thả từ đó phát sinh những suy nghĩ, hành động tiêu cực.

Các địa phương thiếu địa điểm sinh hoạt vui chơi giải trí, hầu hết các địa phương  chưa có trung tâm tư vấn tâm lý (trừ những đô thị lớn) vì vậy khi các em gặp những rắc rối về tâm lý muốn được chia sẻ, muốn được tư vấn giúp đỡ gặp rất nhiều khó khăn.

        2.4. Về bản thân các em ở lứa tuổi vị thành niên

Các em đang ở độ tuổi học sinh, một mặt do áp lực của việc học hành căng thẳng nên bị ức chế, mệt mỏi chán nản. Mặt khác, do ảnh hưởng của các phương tiện thông tin như Internet, sách báo, phim ảnh, game … có nội dung thiếu lành mạnh khó kiểm soát  làm các em bị nhiễu loạn, mất phương hướng tạo ra những suy nghĩ hành động lệch chuẩn, vượt qua những khuôn khổ, quy định của xã hội cho phép. Thêm nữa, một số em còn bị bạn bè lôi kéo vào những sinh hoạt bê tha, thiếu lành mạnh trước những cám dỗ và cạm bẫy không thể tự thoát ra được nên ngày càng bế tắc.

        3. Định hướng giải quyết tình trạng trên

Muốn khắc phục, hạn chế được tình trạng trên đòi hỏi phải có sự vào cuộc, kết hợp chặt chẽ của nhiều tổ chức đoàn thể và gia đình thì mới đạt được hiệu quả mong muốn.

Trước hết, gia đình phải là chỗ dựa vững chắc trong đời sống tình cảm tinh thần của các em. Phụ huynh, cha mẹ cần giúp các em hình thành bản lĩnh, ổn định nhân cách ngay ở tuổi mới lớn để khi gặp khó khăn vướng mắc về tâm lý các em có thể tự giải quyết được trong phạm vi nhất định.

Cha mẹ không nên khắt khe quá đáng, không nên áp đặt và bắt các em làm theo suy nghĩ của mình, nên khuyến khích các em ý thức độc lập, tư duy sáng tạo tích cực của các em. Cần tránh những lời lẽ, hành vi xúc phạm gây tổn thương cho các em.

Cần lắng nghe, tìm hiểu quan tâm đến những biến đổi về tâm lý, chú ý đến sự thay đổi hành vi của các em. Một mặt gần gũi tâm sự trò chuyện giúp các em giải quyết những khó khăn vướng mắc, đồng thời uốn nắn kịp thời những suy nghĩ hành vi lệch chuẩn mang tính tiêu cực.

Tạo không khí hòa thuận vui vẻ, ấm áp thoải mái trong những sinh hoạt gia đình trong các bữa ăn, tổ chức đi thăm họ hàng người thân, đi du lịch… để các em gắn bó, hòa nhập tốt với cuộc sống gia đình.

Đối với ngành giáo dục cần giảm tải chương trình học tập, tránh gây áp lực căng thẳng lo âu cho học sinh trong các kỳ thi, cần phải động viên khuyến khích tinh thần tự học, động cơ học tập tự nguyện, tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể theo chủ đề để các em được vui chơi, giải trí, gắn bó với tập thể, hợp tác chia sẻ với bạn bè, qua hoạt động phát huy tính chủ động và những năng khiếu tiềm ẩn, tạo niềm vui cho các em, giúp các em tránh xa những cám dỗ và tệ nạn xã hội.

Đội ngũ quản lý trong ngành giáo dục cần có nhận thức đầy đủ về thực trạng rối nhiễu tâm lý của học sinh là nguy cơ đáng lo ngại cần phải quan tâm đúng mức, nhà trường cần thành lập Chi hội Tâm lý - Giáo dục làm nhiệm vụ tư vấn tâm lý học đường, ứng dụng có hiệu quả những thành tựu nghiên cứu và thực hành của Khoa học tâm lý, kịp thời xử lý giải quyết những vướng mắc về tâm lý, tình cảm của học sinh ở độ tuổi vị thành niên.

Củng cố và phát huy tác dụng của bộ phận y tế học đường, thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe y tế cho các em. Bên cạnh đó cần phát huy mạnh mẽ vai trò tổ chức của các đoàn, đội, thành lập các câu lạc bộ học tập, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ... Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất tạo điều kiện cho học sinh có địa điểm vui chơi giải trí lành mạnh trong nhà trường.

Ngoài việc chăm lo đời sống vật chất thì việc chăm lo đời sống tinh thần, tâm lý của học sinh là rất quan trọng. Đó không phải là công việc một sớm một chiều có thể giải quyết được ngay mà cần có kế hoạch lâu dài, thường xuyên, đòi hỏi phải có biện pháp khoa học, tính kiên trì, sự tinh tế khéo léo mới có hiệu quả. Công tác này cần phải có sự kết hợp đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội mới có thể tháo gỡ, khắc phục hiện tượng rối nhiễu tâm lý ở lứa tuổi vị thành niên đang là mối quan tâm của toàn xã hội đối với những chủ nhân tương lai của đất nước.

                                                                                          Nguyễn Mạnh Thân