Ban Tổ chức Trung ương đề xuất hợp nhất các đoàn thể chính trị xã hội
Ngày 6/4 tại Hà Nội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp cùng Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học về “Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Mai Văn Chính, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, các đại biểu đại diện Hội đồng Khoa học cơ quan Ban Tổ chức Trung ương; đại diện lãnh đạo 05 tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam 18 tỉnh, thành phố.
Hội thảo góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đổi mới mô hình tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, từ đó đề xuất các giải pháp khả thi nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giai đoạn tới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức thành viên đã có nhiều đổi mới trong hoạt động của mình và luôn xác định rõ ràng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đồng thời là phương châm của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Tuy nhiên Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, vẫn còn nhận định hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể ở nhiều nơi còn mang tính hành chính, hình thức. Tình trạng ấy là do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân là chưa nhận thức đúng và hành động đúng với đặc điểm chung của Mặt trận và các đoàn thể là tính tự nguyện xã hội; chưa nhận thức đúng về mối quan hệ giữa Mặt trận và đoàn thể nhân dân với cơ quan nhà nước...
Chính vì vậy, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, cần đánh giá đúng thực trạng, rút ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm về mô hình tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương và tỉnh, thành phố trong thời gian qua. Bên cạnh đó, cần xác định phương hướng, mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc và những giải pháp chủ yếu nhằm đổi mới mô hình tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Đề dẫn Hội thảo do Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính trình bày cho rằng: Đề án “Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội” được Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu 12 tháng qua với sự tham gia của các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học. Theo đó, trong 30 năm đổi mới, mô hình và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích, ưu điểm nhưng cũng bộc lộ hạn chế, yếu kém, bất cập như: cơ cấu tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, bất hợp lý, kém hiệu quả trên một số lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ chưa được tách bạch rõ ràng. Điều đó đòi hỏi MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phù hợp với nhiệm vụ chính trị, giai đoạn mới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đi sâu phân tích thực trạng mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, từ đó đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; cho ý kiến vào các giải pháp đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm bày tỏ đồng thuận với phương án giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, ông Huỳnh Đảm đề nghị, không nên nhất thể hóa về mặt tổ chức mà theo chức năng nhiệm vụ có thể thành lập một văn phòng chung để phục vụ cho MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, để có sự đồng thuận cao và yên tâm khi quyết định đổi mới tổ chức cần tiếp tục thí điểm mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung trong khối Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên – Huế, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ sau đó tổng kết và báo cáo với Trung ương. Ông Túc cho rằng, công tác Mặt trận phải là công tác của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, công tác của Nhà nước và cần được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị.
Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bày tỏ quan điểm, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là yêu cầu có tính thời đại, là yêu cầu của phát triển bền vững. Tinh thần đổi mới phải làm cho Mặt trận mạnh lên. Do đó, việc đổi mới tổ chức phải trên cơ sở nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận, tinh giản bộ máy theo hướng chất lượng cán bộ cao hơn. Cán bộ Mặt trận phải là những người có năng lực chuyên môn giỏi, có đạo đức tốt và đặc biệt phải có uy tín trước cư dân nơi mình đang sinh sống, nơi mình đang công tác.
Đồng tình với việc giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay, một số đại biểu đề nghị có thể tính đến phương án hợp nhất Ban Dân vận và MTTQ Việt Nam.../.
(Nguồn: http://www.hoilhpn.org.vn)