Giới thiệu bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

hlhpn.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 07/11/2024 ]
Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII (kỳ họp thứ 10) thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015 (Gọi tắt là Bộ luật Tố tụng hình sự).

Căn cứ Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Quốc Hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 1 năm 2018.

I. Phạm vi điều chỉnh

Bộ luật tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự. (Điều 1)

II. Những quy định có liên quan đến phụ nữ

  1. Các quy định liên quan đến phụ nữ với tư cách là công dân

    1. Trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm (Khoản 2,4,6 Điều 5)
      • Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
      • Cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.
      • Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.
    2. Bắt người phạm tội quả tang (Khoản 1, 2 Điều 111)
      • Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
      • Khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
    3. Bắt người đang bị truy nã (Khoản 1, 2 Điều 112)
      • Đối với người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
      • Khi bắt người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.

  2. Quy định có tính chất đặc thù đối với phụ nữ

    Quy định về tạm giam (Khoản 4 Điều 119).

    Bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:
    1. Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;
    2. Tiếp tục phạm tội;
    3. Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;
    4. Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

  3. Quy định có liên quan đến yếu tố giới

    1. Nguyên tắc Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật (Điều 9) Tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật. Mọi pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.
    2. Khám xét người (Điều 194)

      Việc khám xét người phải do người cùng giới thực hiện và có người khác cùng giới chứng kiến. Việc khám xét không được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị khám xét.

    3. Xem xét dấu vết trên thân thể (Điều 203)
      • Việc xem xét dấu vết trên thân thể phải do người cùng giới tiến hành và phải có người cùng giới chứng kiến. Trường hợp cần thiết thì có thể mời bác sĩ tham gia.
      • Nghiêm cấm xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xem xét dấu vết trên thân thể.
      • Khi xem xét dấu vết trên thân thể phải lập biên bản mô tả dấu vết để lại trên thân thể; trường hợp cần thiết phải chụp ảnh, trưng cầu giám định

III. Những quy định về trách nhiệm của tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam

  1. Trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm (Điều 5)

    1. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan nhà nước phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
    2. Cơ quan nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm pháp luật để xử lý và thông báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mọi hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình; kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người thực hiện hành vi phạm tội.
    3. Thủ trưởng cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc không thông báo hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.
    4. Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
    5. Cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.
    6. Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.

  2. Kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự (Điều 33)

    Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử có quyền giám sát hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

    Nếu phát hiện hành vi trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử có quyền yêu cầu, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, giải quyết theo quy định của Bộ luật này. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị, yêu cầu đó theo quy định của pháp luật.

  3. Cử người bào chữa viên Nhân dân (Điều 72,74,75,76,78)

    1. Bào chữa viên nhân dân là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lý, đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình. (Khoản 3 Điều 72)
    2. Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng (Điều 74)

      Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.

      Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.

      Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

    3. Người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận từ huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương trở lên cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình. (Khoản 4 Điều 75)
    4. Chỉ định người bào chữa (Điều 76): Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp theo quy định:
      • Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;
      • Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sý bào chữa cho ngýời thuộc diện được trợ giúp pháp lý;
      • Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.

    5. Thủ tục đăng ký bào chữa (Điều 78)

      Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.